Công nghệ chiến lược đang hút mạnh vốn ngân hàng

Chính phủ xác định 11 nhóm công nghệ chiến lược, định hướng chính sách phát triển khoa học - công nghệ quốc gia; đồng thời 'mở cửa' ưu tiên tín dụng vào các lĩnh vực AI, bán dẫn, blockchain, năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, phê duyệt danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược đến 2030, thuộc các lĩnh vực như: AI, chip bán dẫn, 5G/6G, điện toán đám mây, blockchain, robot-tự động hóa, năng lượng tái tạo… Như vậy đây là những lĩnh vực ưu tiên phát triển mạnh, tạo nền tảng cho quá trình làm chủ công nghệ và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Quyết định này cũng tạo ra cơ sở chiến lược để hệ thống ngân hàng tái cơ cấu dòng vốn, chuyển từ tín dụng truyền thống sang tín dụng có chọn lọc, đổi mới, xanh hóa và số hóa.

Thực tế, trước khi Thủ tướng ban hành Quyết định 1131, các lĩnh vực chuyển đổi số, hạ tầng thông minh, giao thông, điện lực và công nghiệp công nghệ cao (trong đó có áp dụng các công nghệ thực tế ảo, blockchain, AI, tự động hóa…) đã được ngành Ngân hàng rất chú trọng.

Tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng” diễn ra vào cuối tháng 5/2025, NHNN đã cùng 21 ngân hàng công bố chương trình cho vay ưu đãi 500.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các lĩnh vực này. Theo đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) mỗi đơn vị cam kết sẽ dành ra 60.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn ít nhất 1%/năm so với lãi suất các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn. Các ngân hàng như MB, Techcombank, ACB, VIB, TPBank... mỗi đơn vị cam kết sẽ cho vay 20.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, như NamABank, KienlongBank, NCB… cũng cam kết sẽ đồng hành khoảng 4.000 tỷ đồng/đơn vị để thúc đẩy cho vay vào các dự án hạ tầng trọng điểm.

Ngân hàng cung ứng tín dụng cho nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngân hàng cung ứng tín dụng cho nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, NHNN đã làm việc với các bộ, ngành liên quan, như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện tiêu chí các dự án thuộc diện được hưởng ưu đãi tiếp cận vốn. Song thực tế triển khai một số dự án cho thấy có vướng mắc về chuẩn định nghĩa “hạ tầng số”, “công nghệ số” và khung danh mục dự án ưu tiên khi vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan. Do đó, chưa có số liệu thống kê chính thức từ các tổ chức tín dụng về kết quả cho vay và giải ngân đối với gói tín dụng lớn này. Theo NHNN chi nhánh Khu vực 2, đến cuối tháng 5/2025 dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 4,08 triệu tỷ đồng, trong đó gói tín dụng các tổ chức tín dụng đăng ký giải ngân trong Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2025 đóng góp đáng kể.

Ở khía cạnh tín dụng xanh (phục vụ cho vay chủ yếu các dự án năng lượng tái tạo, giao thông xanh, nông nghiệp bền vững, xử lý nước, giảm phát thải,…) theo số liệu thống kê từ NHNN, đến cuối quý I/2025 có 58 tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh, với tổng dư nợ đạt trên 704.200 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn hệ thống. So với cuối năm 2024, dư nợ tăng 3,57%, mức tăng bình quân giai đoạn 2017-2024 là 21,2%/năm.

Hiện nay, một số ngân hàng lớn rất chú trọng và dành nguồn lực tài chính lớn để cho vay đối với các dự án xanh. Chẳng hạn, Agribank cam kết dành gần 30.000 tỷ đồng để cho vay các doanh nghiệp, dự án xanh hóa. Trong đó, đến hết quý I/2025 dư nợ cho vay các dự án xanh của hệ thống ngân hàng này đã đạt 29.300 tỷ đồng; giải ngân cho vay đối với trên 41.600 doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững.

Các ngân hàng khác như MB, BIDV hoạt động cho vay tín dụng xanh cũng sôi động không kém. Báo cáo Thường niên 2024 của MB cho thấy, đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh tại ngân hàng này chiếm 8,5% tổng dư nợ tín dụng, đạt trên 65.000 tỷ đồng. Các dự án của doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng sạch và tái tạo, nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững đã hấp thụ hàng chục ngàn tỷ đồng từ các khoản vay xanh lãi suất ưu đãi của MB.

Trong khi đó, từ cuối năm 2024, BIDV đã mở rộng chương trình tín dụng xanh với quy mô hơn 19.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào mô hình “xanh - sạch - bền vững”. Ngân hàng này dành 5.000 tỷ đồng để cho vay các dự án lọc, tái chế nước với lãi suất thấp hơn 1,5% so với lãi suất thông thường; dành 10.000 tỷ đồng để cho vay các công trình xanh - xây dựng sạch. BIDV cũng hợp tác với AFD (Pháp) triển khai SUNREF - hạn mức 100 triệu USD tài trợ các dự án năng lượng tái tạo; đồng thời phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo chuẩn ICMA và mở rộng phát hành trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững.

Từ những chuyển biến trên, các chuyên gia nhận định, thời gian tới dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ chảy mạnh vào các nhóm “lĩnh vực ưu tiên mới” theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg. Tuy nhiên để chính sách này thực sự lan tỏa cần có sự triển khai đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương. Từ đó hệ thống ngân hàng sẽ tái cơ cấu dòng vốn, chuyển từ tín dụng truyền thống sang tín dụng có chọn lọc, đổi mới, xanh hóa và số hóa. Điều này không chỉ góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025, mà còn đặt nền móng vững chắc để Việt Nam tiến bước vào nền kinh tế công nghệ cao, chủ động, bền vững và hội nhập sâu rộng.

Đỗ Cường

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cong-nghe-chien-luoc-dang-hut-manh-von-ngan-hang-165878.html