Đầu tư bất động sản kỳ vọng vào động lực mới từ cải cách thể chế

Thị trường bất động sản được đánh giá là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Diễn đàn “Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới – Vận hội mới” do Tạp chí điện tử Nhà Quản trị – TheLEADER tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách và đại diện các doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước. Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng, với nhiều cải cách thể chế sâu rộng, định hướng phát triển bền vững và mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Cao Cương – Tổng Biên tập TheLEADER – nhấn mạnh, đất nước đang chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong hệ thống thể chế, quy hoạch phát triển và chiến lược kinh tế. Các cải cách lần này mang tính đột phá, chưa từng có tiền lệ, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng.
Điểm nhấn quan trọng là việc xác định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, khu vực này được xác lập vị trí rõ ràng trong định hướng chiến lược quốc gia. Theo ông Cương, động thái này không chỉ tạo niềm tin mà còn mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khối doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới.

Đầu tư bất động sản kỳ vọng vào động lực mới từ cải cách thể chế. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Đầu tư bất động sản kỳ vọng vào động lực mới từ cải cách thể chế. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Cùng đó, Chính phủ cũng đang ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc lớn về lưu thông dòng tiền, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đàm phán thương mại với các nền kinh tế lớn, trong đó có Hoa Kỳ – thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế phục hồi mạnh mẽ, với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và duy trì mức hai con số trong các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản được đánh giá là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ cho hơn 1.500 dự án bất động sản, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng trọng điểm, nhằm mở rộng không gian phát triển và tăng khả năng kết nối liên vùng.
Đáng chú ý, chủ trương tổ chức lại không gian phát triển quốc gia, trong đó có việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh đang mở ra dư địa mới cho phát triển đô thị và thị trường bất động sản. Đây là thời điểm “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản có chiến lược dài hạn và tầm nhìn phát triển bền vững.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn nhờ chuyển hóa thách thức thành động lực phát triển. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, tăng trưởng GDP quý II/2025 của Việt Nam vẫn đạt gần 8%, cho thấy nội lực mạnh và khả năng thích ứng cao. "Chúng ta không thể tiếp tục tư duy và hành động theo cách cũ. Cần tư duy như một nhà chiến lược, định vị toàn cầu chứ không chỉ dừng lại ở góc độ kinh doanh thông thường,” ông Thiên nhấn mạnh.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Trung Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group cho biết, thị trường bất động sản đang có những chuyển động mạnh mẽ. Sau thời gian dài gặp khó khăn do nguồn cung khan hiếm và thủ tục pháp lý phức tạp, thị trường đang bước vào giai đoạn phục hồi nhờ sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách. Thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến “sự bùng nổ” ở phương diện nguồn cung, thay vì giá cả. Các dự án siêu đô thị với quy mô hàng nghìn ha đang được triển khai, mở ra cơ hội sở hữu nhà ở cho người trẻ và tầng lớp thu nhập trung bình.
Trước đây, dự án 1.000 ha đã được coi là lớn, nhưng giờ đây đã xuất hiện các dự án quy mô 4.000–10.000 ha. Đây là sự thay đổi mang tính lịch sử. Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng vào một môi trường pháp lý minh bạch, thủ tục hành chính được tinh gọn nhờ cải cách và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt là việc Chính phủ ban hành hàng loạt nghị quyết của quan trọng thể hiện sự quyết liệt trong điều hành đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp - ông Vũ bày tỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều thách thức mà thị trường bất động sản cần vượt qua. TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thể chế pháp luật mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Nhiều địa phương áp dụng giá đất không sát thực tế, làm méo mó thị trường, ảnh hưởng đến nhà đầu tư và người mua có nhu cầu thực. Bên cạnh đó, chất lượng thị trường vốn chưa cao, thiếu các kênh huy động bền vững là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi dòng tín dụng bị siết chặt. Nội lực của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm nhỏ và vừa, vẫn còn yếu, dễ tổn thương trước các biến động...
Theo ông Đính, một số doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn vừa qua là nhờ có sự chuẩn bị chiến lược từ trước. Với xu hướng phát triển các siêu đô thị, cần có sự tham gia của những tập đoàn lớn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nhỏ liên kết để tạo sức mạnh cộng hưởng.
Dưới một góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển đánh giá, quá trình tái cơ cấu không gian phát triển, trong đó có việc hợp nhất đơn vị hành chính, sẽ tạo ra làn sóng đô thị hóa mới, mở rộng không gian đầu tư, đặc biệt tại các vùng ven và khu vực có kết nối hạ tầng thuận lợi. Ông Nghĩa dẫn ví dụ về Long Thành – khu vực được định hướng trở thành trung tâm kinh tế động lực của miền Nam khi dự án sân bay quốc tế hoàn thành. Dự kiến, dân số tại khu vực này có thể tăng lên hàng triệu người trong tương lai gần, không chỉ đóng vai trò vệ tinh mà còn là trung tâm phát triển độc lập cạnh TP.Hồ Chí Minh.
Cùng đó, các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hệ thống cao tốc, cảng biển… đang được triển khai sẽ tạo “xung lực mới” cho phát triển bất động sản tại nhiều khu vực. Hạ tầng phát triển cũng sẽ giúp thị trường tiệm cận với giá trị thực, tránh các biến động do đầu cơ, sốt giá.
Kỳ vọng từ chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân là một trong những nội dung được các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh; trong đó nổi bật là vai trò của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khi thể chế được khơi thông, doanh nghiệp như bước ra “đại lộ rộng mở”, có cơ hội tăng tốc và phát huy tiềm năng. Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp lớn với hệ sinh thái đầy đủ sẽ có lợi thế trong phát triển đô thị đồng bộ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển các phân khúc phù hợp với năng lực, hình thành chuỗi giá trị đa dạng.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, một thị trường bất động sản phát triển bền vững cần đảm bảo minh bạch, kiểm soát tốt dòng vốn, đồng thời duy trì môi trường đầu tư cạnh tranh và ổn định. Việc đưa toàn bộ giao dịch về sàn sẽ là giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tình trạng thao túng, đầu cơ và thổi giá, từ đó giúp thị trường vận hành lành mạnh.

Thu Hằng/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-tu-bat-dong-san-ky-vong-vao-dong-luc-moi-tu-cai-cach-the-che/379239.html