Tín dụng đang tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng và dịch vụ

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng mạnh, tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng và dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tham dự cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, một phóng viên dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rằng, tính đến cuối tháng 5/2025, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 6,52%, với dư nợ tăng kỷ lục hơn 1 triệu tỷ đồng, lên trên 16,6 triệu tỷ đồng.

Từ số liệu đó, phóng viên đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết dòng vốn tín dụng này tập trung vào những lĩnh vực nào và tỷ trọng ra sao?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. (Ảnh: Mạnh Tuấn).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. (Ảnh: Mạnh Tuấn).

Giải đáp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng.

Về mặt lãi suất, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại cũng tích cực giữ ổn định lãi suất huy động, giúp giảm chi phí vốn và hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới hiện ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế. Tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ năm 2024, tín dụng tăng 18,87%, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 đến nay.

Cơ cấu tín dụng phù hợp với nhu cầu nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp. Một số ngành chính gồm: nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; xây dựng chiếm 7,53% (bao gồm các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được Chính phủ ưu tiên). Các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn khoảng 23,74%.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn chiếm 23,16%; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất cao, lần lượt 15,69% và 17,59%, gần gấp đôi tốc độ chung.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như tín dụng lĩnh vực lâm thủy sản tăng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng được triển khai tích cực.

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, cho vay người trẻ dưới 35 tuổi thuê hoặc mua nhà ở xã hội, và chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng số cũng được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

Đó là kết quả tín dụng 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Hồng Vân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-dung-dang-tap-trung-vao-nong-nghiep-cong-nghiep-che-bien-xay-dung-va-dich-vu-d321215.html