Thuế đối ứng: Sớm hành động sau tín hiệu tích cực ban đầu

Sau những thông tin tích cực ban đầu liên quan tới thỏa thuận sơ bộ về thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ, đại diện một số bộ, ngành, chuyên gia đều cho rằng cần chủ động tính toán chiến lược thương mại, sản xuất cho giai đoạn sắp tới.

Tín hiệu tích cực ban đầu

Ngày 2-7, hai đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng. Tổng Bí thư Tô Lâm cũngcó cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và trao đổi một số phương hướng để tăng hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ cao.

Đáng lưu ý, thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận thương mại thứ ba được Mỹ công bố, sau các thỏa thuận với Anh và Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều đối tác trên thế giới đang gấp rút đàm phán với chính quyền của Tổng thống Donald Trump trước thời hạn ngày 9-7.

Hiện những điều khoản chi tiết đang được hoàn thiện, song sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng, giúp hạ nhiệt bất ổn thương mại, giảm thiểu các rủi ro chính sách và mở rộng dư địa thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Thuế đối ứng cao hay thấp không đáng lo bằng thuế cao hơn đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Trung Chánh

Thuế đối ứng cao hay thấp không đáng lo bằng thuế cao hơn đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Trung Chánh

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về kinh tế - xã hội vào chiều 3-7, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói đây là “kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp".

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết việc chưa có thông báo chính thức từ hai bên về các mức thuế chi tiết, đồng nghĩa với thỏa việc để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán, mở ra dư địa cho Việt Nam điều chỉnh mức thuế trong tương lai.

Nhưng với mức thuế được công bố, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực thuộc các ngành dệt may, thủy sản, gỗ... có cơ hội duy trì năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận. Đồng thời, điều này cũng gián tiếp hỗ trợ các nhóm ngành như: tài chính – ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong việc cải thiện dòng vốn, hạn chế nợ xấu và ổn định thanh khoản hệ thống.

Bổ sung, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI, cho biết ngoài yếu tố thuế quan, thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Bởi nếu điều này thành hiện thực, doanh nghiệp trong nước sẽ tránh được nhiều rào cản phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá.

“Những ngành từng đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật như thủy sản, thép và dệt may sẽ được hưởng lợi lớn, cả về chi phí pháp lý lẫn cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ”, ông Hưng nói tại một tọa đàm vào sáng 3-7.

Những yếu tố cần lưu tâm

Thực tế, trong giai đoạn tạm hoãn áp thuế đối ứng, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ xuất khẩu và đạt mức tăng trưởng tốt. Nhưng với cuối năm còn lại, tất cả đều trông đợi vào kết quả đàm phán giữa hai chính phủ.

Các mặt hàng rau củ quả dường như thấm đòn biểu thuế mới ngay lập tức. Ảnh: N.K

Các mặt hàng rau củ quả dường như thấm đòn biểu thuế mới ngay lập tức. Ảnh: N.K

Tại cuộc họp báo ngày 3-7, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đã xây dựng ba kịch bản về tác động của thuế đối ứng của Mỹ với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Ông Trần Gia Long, Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch - tài chính (Bộ NN-MT), cho biết nếu Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng mới là 20% cho hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam và 40% cho các mặt hàng “trung chuyển” từ nước thứ ba, sẽ làm giảm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản của Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2025 - tương ứng mức giảm khoảng 6,2-6,5 tỉ đô la Mỹ

Còn ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản và kiểm ngư, cho biết đã làm việc với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngay sau khi có thông tin về mức thuế mới.

Hiện chưa tính được con số thiệt hại sẽ là bao nhiêu do chưa nắm được biểu thuế cụ thể với từng loại sản phẩm, nhưng tôm, cá tra và cá ngừ sẽ gặp khó khăn về thị trường và cạnh tranh”, ông Luân chia sẻ.

Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng khẳng định kim ngạch xuất khẩu của gỗ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do chi phí thuế gia tăng. Nếu doanh nghiệp dùng gỗ từ châu Phi, Trung Quốc… mà không chứng minh được nguồn hợp pháp thì có nguy cơ bị Mỹ áp thuế 40%.

Do đó, đại diện đơn vị này cho rằng giải pháp tốt nhất là tăng nhập khẩu gỗ từ Mỹ (được miễn thuế) hoặc minh bạch gỗ rừng trồng trong nước để giữ vững thị phần.

Tương tự, chuyên gia của SSI cũng lưu ý tới yếu về quy tắc xuất xứ trong quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ thời gian tới. Đồng thời, đặt ra bài toán về nâng cấp chuỗi cung ứng nội địa và tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt với các ngành như: dệt may, điện tử và đồ gỗ xuất khẩu – những lĩnh vực vốn có mức phụ thuộc cao vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Chỉ khi chứng minh được rõ ràng nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, doanh nghiệp mới có thể thụ hưởng ưu đãi thực sự”, ông Phạm Lưu Hưng nhận định.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thue-doi-ung-som-hanh-dong-sau-tin-hieu-tich-cuc-ban-dau/