Công nghệ đè nặng Phố Wall; Dầu tăng gần 1%

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào thứ Ba (07/01), khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Ngược lại, giá dầu tăng chủ yếu do lo ngại về nguồn cung khan hiếm từ Nga và Iran vì các lệnh trừng phạt của phương Tây và dự báo nhu cầu khởi sắc ở Trung Quốc.

Nvidia “bốc hơi” hơn 6%

Khép phiên, chỉ số S&P 500 mất 1,11% còn 5.909,03 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt dài 178,20 điểm, tương đương 0,42%, còn 42.528,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,89% xuống 19.489,68 điểm. Các chỉ số chính đều tăng điểm vào đầu phiên trước khi đảo chiều giảm.

Dữ liệu do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố vào thứ Ba phản ánh mức tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ vào tháng 12/2024, làm gia tăng lo ngại về lạm phát kéo dài.

Lợi suất trái phiếu tăng theo dữ liệu, cộng với đà tăng gần đây của lợi suất chủ yếu do dự báo rằng các kế hoạch thuế quan của chính quyền mới có thể thúc đẩy lạm phát. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 7 điểm lên 4,693% và trước đó đạt mức đỉnh trong phiên là 4,699%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2024.

Nhà đầu tư cũng đã thực hiện một số động thái chốt lời từ các cổ phiếu công nghệ và bán dẫn vốn hóa lớn sau khi chứng kiến mức tăng liên tiếp từ S&P 500 và Nasdaq Composite.

Cổ phiếu Nvidia sụt 6,2% sau khi lập kỷ lục mới. Công ty này vào ngày 6/1 đã công bố mẫu con chip mới cho máy tính để bàn và máy tính xách tay sử dụng cùng kiến trúc Blackwell. Cổ phiếu Tesla rớt 4% sau khi Bank of America hạ bậc tín nhiệm đối với nhà sản xuất xe điện này do định giá cao và rủi ro liên quan đến chiến lược công ty. Cổ phiếu Meta Platforms rơi gần 2%, còn cổ phiếu Apple và Microsoft đều bốc hơi hơn 1%.

Thị trường lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga và Iran

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent tiến 75 xu, tương đương 0,98%, lên 77,05 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 69 xu (tương đương 0,94%, lên 74,25 USD/thùng.

Nhà đầu tư đang trông chờ vào các kế hoạch kích thích của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng vì nguồn cung đang khan hiếm sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết có vẻ như những người tham gia thị trường đã bắt đầu định giá một số rủi ro gián đoạn nguồn cung nhỏ đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc.

Mối lo ngại về các lệnh trừng phạt thắt chặt nguồn cung đã chuyển thành nhu cầu tăng đối với dầu Trung Quốc, phản ánh qua sự gia tăng giá dầu tháng 2 của Ả-rập Xê-út đối với chấu Á, đây là sự gia tăng đầu tiên trong 3 tháng qua.

Tại Trung Quốc, Tập đoàn Cảng Sơn Đông (Shandong Port Group) vào ngày 6/1 đã ban hành thông báo cấm tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt khỏi mạng lưới cảng của mình, có khả năng hạn chế các tàu bị đưa vào danh sách đen khỏi các cảng năng lượng lớn trên bờ biển phía Đông của Trung Quốc.

Tập đoàn Cảng Sơn Đông giám sát các cảng lớn trên bờ biển phía Đông của Trung Quốc, bao gồm Thanh Đảo, Nhật Chiếu và Yên Đài, vốn là những cảng lớn để nhập khẩu dầu bị cấm vận.

Trong khi đó, thời tiết lạnh giá ở Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu dầu sưởi ấm, mặc dù mức tăng giá dầu bị kìm hãm do dữ liệu kinh tế toàn cầu.

Lạm phát khu vực đồng Euro tăng vào tháng 12/2024, một sự cố không mong muốn nhưng đã được dự báo trước và không có khả năng làm chệch hướng các đợt hạ lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Những người tham gia thị trường đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế trong tuần này, bao gồm báo cáo việc làm chính thức tháng 12 của Mỹ vào ngày 10/1, để có thêm gợi ý về chính sách lãi suất của Mỹ và triển vọng nhu cầu dầu.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cong-nghe-de-nang-pho-wall-dau-tang-gan-1-post119644.html