Công nghệ định vị mục tiêu bằng sóng điện thoại

Dù trọng tâm ban đầu là tìm kiếm cứu nạn, nhưng công ty Thụy Sĩ Polus Tech cũng gia nhập ngành công nghiệp quốc phòng khi ra mắt cảm biến có thể định vị mục tiêu bằng tín hiệu vô tuyến truyền từ điện thoại.

Cảm biến từng được triển khai trong nỗ lực tìm kiếm người sống sót sau lũ lụt tại thủ đô Jakarta của Indonesia cũng như tại châu Âu vài năm gần đây. Tháng 3 năm ngoái hệ thống (đặt trên trực thăng) giúp xác định vị trí người sống sót sau cơn bão nhiệt đới Alfred. Ngoài phục vụ hoạt động cứu hộ, Polus Tech còn muốn cung cấp sản phẩm cho quân đội phương Tây để phục vụ nhiệm vụ theo dấu mục tiêu khủng bố hay mục tiêu chiến tranh.

Định vị mục tiêu từ trên cao

Hiện nay nhiệm vụ theo dấu mục tiêu khủng bố bằng điện thoại di động của chính đối tượng được thực hiện bằng biện pháp khá tốn kém, chẳng hạn cài phần mềm ngụy trang (trojan horse). Biện pháp như vậy đòi hỏi phải có sự chấp thuận của giới chức các nước và sự tham gia của nhiều bên trong suốt quá trình.

Cảm biến định vị bằng sóng điện thoại đặt trên mặt đất ít tốn chi phí hơn, dùng đến thiết bị gọi là IMSI Catchers hoặc trạm gốc di động hoạt động như radar trong mạng điện thoại 5G. Tuy nhiên nếu triển khai cảm biến lên trên không ta có thể ngắm trực tiếp vào mục tiêu. Một hệ thống theo dõi đặt trên máy bay không người lái sẽ dễ dàng theo dõi mục tiêu theo thời gian thực, cung cấp hình ảnh tình báo tốt hơn phương tiện hiện có khác đặc biệt khi hạ tầng di động mặt đất đã lỗi thời. Không rõ cảm biến Polus Tech sử dụng công nghệ cốt lõi nào, chỉ có thông tin hệ thống ghi nhận tín hiệu vô tuyến (RF).

Cảm biến định vị bằng sóng điện thoại triển khai trên không theo dấu mục tiêu tốt hơn - Ảnh: Polus Tech

Cảm biến định vị bằng sóng điện thoại triển khai trên không theo dấu mục tiêu tốt hơn - Ảnh: Polus Tech

Cảm biến lắp được trên máy bay không người lái tầm hoạt động trung bình - cao (thường hơn 1.000 mét) đủ tầm để không bị thiết bị đơn giản ngăn chặn nhưng đủ thấp để dùng camera ghi hình đơn giản. Bên cạnh cảm biến, công ty còn tiếp thị một trình quản lý nhiệm vụ thông minh cho phép các hệ thống trên cùng một máy bay trao đổi với nhau.

Biện pháp định vị này đảm bảo phát hiện chuyển động của mối nguy hiểm như nhóm Hamas tập kích miền Nam Israel ngày 7.10.2023, sau đó báo động lực lượng tình báo quân sự. Tất cả quá trình đều không xâm phạm điện thoại lẫn dữ liệu bên trong như biện pháp cũ thường làm.

Thị trường tỉ đô

Polus Tech không phải đơn vị duy nhất trên thị trường cảm biến RF, nhiều công ty khác như CRFS hay GAO Tex cũng phát triển công nghệ này. Tuy nhiên họ chỉ tập trung vào ứng dụng 4G hoặc 5G chứ không dùng sản phẩm cho quân sự như Polus Tech. “Ông lớn” quốc phòng Mỹ Northrop Grumman cũng đang thử nghiệm phát triển. Ước tính thị trường cảm biến trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đạt giá trị 10 - 15 tỉ USD.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cong-nghe-dinh-vi-muc-tieu-bang-song-dien-thoai-234660.html