Công nghệ gene tại Việt Nam là 'mỏ vàng' nghìn tỷ

Việt Nam đang trở thành 'điểm nóng' trên bản đồ công nghệ gene thế giới khi hàng loạt 'ông lớn' trong ngành đổ bộ, mở ra kỷ nguyên mới cho y học phân tử.

 Hệ thống Revio - nền tảng giải trình tự gene đoạn dài tiên tiến từ PacBio. Ảnh: PacBio.

Hệ thống Revio - nền tảng giải trình tự gene đoạn dài tiên tiến từ PacBio. Ảnh: PacBio.

Nhận thức ngày càng cao của xã hội và người dân, về vai trò không thể thiếu của sinh học phân tử trong y tế đang tạo ra một làn sóng ứng dụng mạnh mẽ trên khắp Việt Nam.

Từ chẩn đoán, điều trị đến tầm soát bệnh tật ở mọi lĩnh vực và mọi nhóm người, sinh học phân tử đang chứng minh vị thế là một công cụ y khoa then chốt. Trong đó, công nghệ giải trình tự gene là kỹ thuật đang phát triển nhất.

Việt Nam là "miền đất hứa" cho các hãng gene quốc tế

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học về công nghệ gene - Prism 2025 diễn ra tại Đà Nẵng, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giải trình tự gene và công nghệ sinh học cùng nhau chia sẻ những nhận định đầy lạc quan về tiềm năng phát triển vượt bậc của ngành công nghệ gene tại Việt Nam trong những năm tới.

Với mức tăng trưởng GDP ổn định trên 6% trong nhiều năm, các diễn giả cho rằng Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn trong việc đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học và dược phẩm.

Việc xây dựng các khu công nghiệp kỹ thuật cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng được xem là một bước đi chiến lược, thu hút không chỉ các công ty khởi nghiệp trong nước mà còn cả nguồn vốn và các tập đoàn công nghệ sinh học đa quốc gia.

 Với hệ thống máy giải trình gene hiện đại, trong một khoảng thời gian ngắn có thể sử lý một lượng lớn mẫu gene cùng lúc, giúp tối ưu chi phí cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Với hệ thống máy giải trình gene hiện đại, trong một khoảng thời gian ngắn có thể sử lý một lượng lớn mẫu gene cùng lúc, giúp tối ưu chi phí cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết hiện nay người bệnh đã nhận thức rõ rằng sinh học phân tử là một lĩnh vực không thể thiếu trong y tế. Đây là một công cụ không thể thiếu trong công tác chẩn đoán, điều trị, tầm soát ở tất cả lĩnh vực.

Ứng dụng của sinh học phân tử là giải trình tự gene đang ngày càng phổ biến trong đời sống, một ví dụ điển hình là tầm soát trước sinh. Phương pháp này mang lại cơ hội lựa chọn một nguồn dân số khỏe mạnh, trẻ sinh ra không mang các bệnh di truyền.

"Với dân số hơn 100 triệu dân, Việt Nam rõ ràng là một trong những quốc gia được xếp hạng có tiềm năng rất cao ở thị trường giải trình tự gene", GS Khoa nói.

GS Khoa cho hay cơ hội nghìn tỷ này không nằm ngoài tầm mắt của các "ông lớn" trong ngành công nghệ gene trên thế giới. Điều này dẫn đến việc hàng loạt các công ty hàng đầu thế giới đang "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam, mang đến cơ hội tiếp cận những trang thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất cho người dân.

Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ này, chủ trương của Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học phân tử. Theo GS Khoa, sự đầu tư và quan tâm từ Chính phủ đã củng cố niềm tin của các hãng công nghệ giải trình tự gene vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Với tiềm năng to lớn như vậy, thị trường giải trình tự gene tại Việt Nam đang chứng kiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Sự cạnh tranh này, dù gay gắt, lại mang đến cơ hội lớn cho người dân Việt Nam trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, các công nghệ chẩn đoán và điều trị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng trong kỷ nguyên mới của y học phân tử.

Theo TS Jason Kang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Công ty sinh học Pacific Biosciences (PacBio), với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào công nghệ cao và công nghệ sinh học, cùng với lực lượng lao động trẻ, có trình độ và ngày càng thông thạo ngoại ngữ, Việt Nam đang có một tương lai rất tươi sáng trong lĩnh vực này.

"Trong những năm tới, ngành giải trình tự gene ở Việt Nam sẽ tăng trưởng 50-100% so với GDP. Bên cạnh đó, lĩnh vực dược phẩm và y học tái tạo cũng được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của công nghệ gen tại Việt Nam", TS Jason dự đoán.

 Các chuyên gia ở khắp thế giới về công nghệ sinh học, giải trình tự gene đã cùng trao đổi về công nghệ này tại Việt Nam. Ảnh: PacBio.

Các chuyên gia ở khắp thế giới về công nghệ sinh học, giải trình tự gene đã cùng trao đổi về công nghệ này tại Việt Nam. Ảnh: PacBio.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy, việc đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng gen trong y học cá thể có thể mang lại những bước đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh ung thư và bệnh di truyền.

Dưới góc độ là một đơn vị trung gian đưa công nghệ giải trình tự gene về Việt Nam, TS Raquel Magalhaes, Quản lý cấp cao, bộ phận Phát triển Kinh doanh Khu vực, ngành Kỹ thuật Công nghệ, Tập đoàn DKSH, cho rằng thời gian tới thị trường Việt Nam sẽ thu hút nhiều công ty nước ngoài về gene đến đầu tư. Thị trường này sẽ nóng dần lên, và khốc liệt hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ nên lưu ý về tầm quan trọng của việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp và thận trọng trong việc quản lý các ứng dụng của công nghệ gen. Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, nhằm đảm bảo an toàn và lợi ích cho cộng đồng.

Theo bà Raquel, với những lợi thế sẵn có, sự đầu tư đúng hướng của Chính phủ và sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để trở thành một điểm đến hấp dẫn và một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gene hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-nghe-gene-tai-viet-nam-la-mo-vang-nghin-ty-post1546912.html