Công nghệ giúp doanh nghiệp trở thành 'gia đình thứ hai' của người lao động

Người lao động gặp khó khăn, cần sự trợ giúp về tài chính song gia đình và người thân không thể xoay xở. Lúc này, doanh nghiệp có thể trở thành 'gia đình thứ hai' của người lao động, hỗ trợ tài chính kịp thời bằng giải pháp trả lương linh hoạt…

Ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang sử dụng khoảng gần 3 triệu lao động

Ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang sử dụng khoảng gần 3 triệu lao động

Nhân sự luôn là một trong những yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp, điều đó lại càng đúng với các doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động phổ thông lớn, hay còn là doanh nghiệp thâm dụng lao động trong các ngành như sản xuất hay dịch vụ. Với tỷ lệ lao động nhảy việc cao và gia tăng, khoảng 40-200%/năm với các ngành dịch vụ, từ 25-75%/năm đối với các ngành sản xuất. Các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, sản xuất nếu không có giải pháp hiệu quả trong việc quản lý và giữ chân nhân sự.

NGƯỜI LAO ĐỘNG CHỈ CẦN CHẬM LƯƠNG MỘT NGÀY LÀ ĐÃ XAO ĐỘNG TÂM LÝ

Có những làn sóng người lao động rời bỏ nhà máy về quê bởi họ đau đầu chuyện lương bổng và áp lực cơm áo gạo tiền ở các thành phố lớn. Đặc biệt thời kỳ ngay sau Covid-19, số lượng lao động “bỏ phố về quê” tăng lên đáng kể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân sự trong các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ. Sau khi trải qua biến động Covid-19, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với bài toán mới trước tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày bị giảm các đơn hàng xuất khẩu lớn, nhiều công ty có xu hướng chuyển sang các đơn hàng ngắn hạn, nhỏ, khó và yêu cầu kỹ thuật chất lượng cao.

Nhiều công ty buộc phải giảm giờ làm, thậm chí là sa thải lao động dẫn tới tâm lý lo lắng, bất an của người lao động khi họ không chắc mình có giữ được việc làm hay không? Và có thì liệu có được lĩnh lương đúng ngày để trang trải cuộc sống thường nhật hay không? Điều này vô hình trung đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất làm việc của những người lao động phổ thông và hoạt động chung của các doanh nghiệp thâm dụng lao động.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để thúc đẩy sự bền vững và ổn định, doanh nghiệp luôn xác định người lao động là tài sản số 1, bản thân người lao động luôn luôn muốn có công ăn việc làm ổn định. Nếu doanh nghiệp làm tốt chính sách, chế độ, người lao động sẽ gắn bó lâu dài với nhà máy. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động trong việc lo chính sách, chế độ, vấn đề lương thưởng, đào tạo tay nghề, truyền thông một cách đầy đủ, minh bạch nhất cho người lao động.

“Người lao động chỉ cần chậm lương một ngày thôi là họ xao động tâm lý rồi. Giải pháp nào để có được lương thưởng kịp thời cho người lao động chính là vấn đề, bài toán mà từng doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp cho nút thắt này. Có như vậy mới ổn định được mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung”, ông Vũ Đức Giang nói.

Theo thông tin được ông Vũ Đức Giang đưa ra, ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang sử dụng khoảng gần 3 triệu lao động. Đây là một ngành chịu áp lực rất lớn đến sự ổn định, phát triển bền vững. Đối với một doanh nghiệp quy mô từ 500 lao động trở lên, đảm bảo sự phát triển ổn định, tâm lý yên tâm cho người lao động là vấn đề mà các lãnh đạo doanh nghiệp phải tính toán.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ ĐỂ TRẢ LƯƠNG BẤT KỲ KHI NÀO NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN

Góp phần giải quyết bài toán ổn định nhân sự nhằm phát triển bền vững của doanh nghiệp, trong chương trình The Wise Talk số 08 với chủ đề: “Giải pháp công nghệ nào giúp giải bài toán về nhân sự cho doanh nghiệp thâm dụng lao động trong bối cảnh nhiều biến động?”, một giải pháp đã được các chuyên gia đề cập đến, chính là chi lương linh hoạt.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (ngồi giữa) và ông Đặng Việt Dũng, nhà sáng lập, CEO của Nano Technologies, nhà phát triển ứng dụng Vui App, trong chương trình The Wise Talk số 08 với chủ đề: “Giải pháp công nghệ nào giúp giải bài toán về nhân sự cho doanh nghiệp thâm dụng lao động trong bối cảnh nhiều biến động?”

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (ngồi giữa) và ông Đặng Việt Dũng, nhà sáng lập, CEO của Nano Technologies, nhà phát triển ứng dụng Vui App, trong chương trình The Wise Talk số 08 với chủ đề: “Giải pháp công nghệ nào giúp giải bài toán về nhân sự cho doanh nghiệp thâm dụng lao động trong bối cảnh nhiều biến động?”

Chi lương linh hoạt là một mô hình mà các nước ở Mỹ và châu Âu đã phát triển được khoảng 10 năm. Các quốc gia đang phát triển như Mỹ Latin hay Đông Nam Á, Ấn Độ, mô hình chi lương linh hoạt đã phát triển được khoảng 4-5 năm.

Theo ông Đặng Việt Dũng, nhà sáng lập, CEO của Nano Technologies, nhà phát triển ứng dụng Vui App, bản chất chi lương linh hoạt là một mô hình được vận hành bằng công nghệ, giúp doanh nghiệp thay vì trả lương một tháng một lần cho người lao động và người lao động chỉ được nhận lương một tháng một lần, thì với giải pháp linh hoạt, người lao động có thể nhận lương bất kỳ khi nào và không phải chờ đến cuối tháng.

“Có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiên tiến, sáng tạo trong việc làm sao để tạo ra nhiều phúc lợi và tiện ích hơn cho người lao động, hoặc đơn giản hơn là làm sao để có thể giúp người lao động, những người đang sát cánh cùng doanh nghiệp có một cuộc sống tốt hơn. Vậy bài toàn ở đây là gì, có giải pháp nào để doanh nghiệp có thể thực hiện mong ước đó?”, ông Đặng Việt Dũng đặt câu hỏi.

Theo ông, có rất nhiều doanh nghiệp trả lương cho người lao động vào giữa tháng. Cách làm này rất tốt và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật lao động. Tuy vậy, có một thực trạng là nhiều người lao động cần được trả lương vào giữa tháng, nhưng cũng có rất nhiều người chưa cần dùng đến lương vào thời điểm đó, hoặc lại có những người cần dùng đến lương vào những thời điểm khác ở trong tháng.

Thay vì doanh nghiệp trả 50% lương cho 100% mọi người lao động song chỉ có 5% người cần lương vào ngày đó, tại sao doanh nghiệp không phát sinh từ nhu cầu của chính người lao động, để linh hoạt trong vấn đề trả lương. Như vậy, doanh nghiệp vừa có thể tiết kiệm được dòng tiền, đầu tư cho các hạng mục khác hoặc đầu tư cho chính những người lao động thật sự đang cần lương.

“Sự linh hoạt nên được áp dụng trong quản trị, ở các góc độ những tưởng không có gì mà thật ra lại rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh rất nhiều người lao động vẫn còn thu nhập song đã bị cắt giảm, eo hẹp hơn so với trước”, ông Đặng Việt Dũng nói.

“Câu chuyện quản trị linh hoạt được áp dụng trong một yếu tố nhỏ như vậy, nhưng sẽ giải quyết được bài toán khó khăn về tài chính tức thời mà nhiều lao động gặp phải, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đi đúng hướng mà rất nhiều doanh nghiệp bây giờ đang muốn làm”, nhà phát triển ứng dụng Vui App cho biết.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-nghe-giup-doanh-nghiep-tro-thanh-gia-dinh-thu-hai-cua-nguoi-lao-dong.htm