Công nghệ giúp Israel khắc chế đợt tấn công bằng drone của Iran
Trước đợt tấn công trực tiếp chưa từng có từ Iran, phía Israel cho biết, hệ thống phòng không của họ đã đánh chặn thành công tới 99% trong số 300 máy bay không người lái (drone), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhằm vào lãnh thổ nước này.
Khóa tín hiệu GPS
Trước đó, kể từ ngày 1/4, sau khi bị cho là đứng đằng sau cuộc không kích nhằm vào tòa nhà ngoại giao của Iran tại Syria, quân đội Israel đã phong tỏa toàn diện tín hiệu GPS trên phần lớn lãnh thổ.
Biện pháp phòng thủ này không gì khác nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc drone. Đến ngày 4/4 vừa qua, các ứng dụng dịch vụ dựa vào vị trí tại những thành phố lớn như Tel Aviv và Jerusalem đều bị ảnh hưởng. Website giám sát GPSJAM xác nhận có sự can thiệp rộng vào tín hiệu định vị toàn bộ lãnh thổ Israel. Trên mạng xã hội, người dùng cũng chia sẻ những trường hợp GPS chỉ sai vị trí, chẳng hạn như vị trí tại Jerusalem trả kết quả ra tận Cairo của Ai Cập.
Quân đội Israel (IDF) cũng đưa ra khuyến cáo người dân thiết lập vị trí của họ theo cách thủ công trên ứng dụng của Bộ Quốc phòng (Home Front Command App) - để nhận được cảnh báo về tên lửa theo chính xác khu vực.
Việc thực hiện các biện pháp gián đoạn GPS không phải là một chiến lược mới của với Israel. Kể từ khi bắt đầu xung đột với Hamas vào đầu tháng 10, tình trạng gián đoạn đã liên tục xảy ra ở các khu vực phía bắc, nơi lực lượng dân quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Các kỹ thuật giả mạo GPS được sử dụng để đánh lừa các vũ khí dẫn đường bằng GPS, chẳng hạn như máy bay không người lái, bằng cách cung cấp dữ liệu vị trí sai. Chiến thuật này nhằm mục đích chuyển hướng vũ khí khỏi mục tiêu dự định của chúng.
Các chiến lược tương tự đã được chứng kiến trong các cuộc xung đột trên toàn cầu, bao gồm cả giữa Ukraine và Nga, nơi cả hai bên đều sử dụng phương pháp giả mạo GPS để chống lại máy bay không người lái của nhau.
Mục tiêu rất đơn giản nhưng hiệu quả: đưa các máy bay không người lái mục tiêu đi lạc hướng hoặc khiến chúng gặp sự cố bằng cách cung cấp cho chúng thông tin vị trí sai lệch. Chiến thuật này đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả đối với các mẫu máy bay không người lái dân sự, vốn có thể thiếu các cơ chế phòng thủ mạnh mẽ để chống lại sự thao túng như vậy.
Tuy nhiên, những tác động không chỉ đơn thuần là làm gián đoạn hoạt động của máy bay không người lái. Tên lửa dẫn đường phụ thuộc vào định vị GPS cũng có thể trở thành nạn nhân của các tín hiệu giả mạo, có khả năng dẫn đến các mục tiêu ngoài ý muốn và gây nguy hiểm đến tính mạng dân thường.
Hệ thống phòng thủ tên lửa
Hệ thống “Vòm Sắt” (Iron-Dome) do Mỹ đầu tư và Israel phát triển, được thiết kế nhằm chống lại các rocket và đạn pháo bắn từ khoảng cách 155 dặm (250 km). Mỗi tổ hợp này có từ ba đến bốn bệ phóng với sức chứa lên tới 20 tên lửa đánh chặn SAM mỗi bệ.
Israel cho biết, tỉ lệ đánh chặn thành công của hệ thống lên tới 90% và là một trong những tổ hợp phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất thế giới hiện nay. Các tên lửa SAM cũng hiệu quả với các máy bay không người lái, song gặp thách thức với chiến thuật “bầy đàn” drone giá rẻ.
Theo nhà thầu quốc phòng Rafael, đối tác phát triển “Vòm sắt” cùng Raytheon của Mỹ, cho biết: “Đây là hệ thống chiến đấu đa nhiệm đã được chứng minh có khả năng phát hiện, đánh giá và đánh chặn các mục tiêu bay đến như: C-RAM (rocket, đạn pháo, đạn cối), tên lửa hành trình, tên lửa dẫn đường (PGM) cũng như các mối đe dọa từ trên không khác”.
Iron Dome gồm ba phần chính, một radar phức hợp phát hiện mối đe dọa lao tới. Một hệ thống điều khiển phát triển bởi mPrest của Israel, lấy thông tin từ radar để phân tích theo thời gian thực, dự đoán quỹ đạo bay, phân tích dữ liệu gửi đến tổ đội khai hỏa. “Vòm sắt” có thể sử dụng tên lửa dẫn đường chính xác (Tamir) hoặc tên lửa thông thường. Khi triển khai, hệ thống có khả năng bao phủ phạm vi 60 dặm vuông, tương đương 155 km vuông, do đó phù hợp với nhu cầu bảo vệ cục bộ một khu vực nhất định.
Các tên lửa Tamir di chuyển với tốc độ cận âm, được trang bị hàng loạt cảm biến tối tân như GPS, cảm biến quang điện, vây lái giúp tự điều chỉnh hướng bay và sử dụng “đầu đạn ngòi nổ” để phát nổ gần mục tiêu đang bay tới, thay vì thực sự bắn trúng mục tiêu.
Mặc dù vậy, hệ thống không được trang bị để đối đầu với mối đe dọa từ tên lửa hành trình hay tên lửa siêu thanh, do những đầu đạn này có kích thước lớn, tốc độ cao và góc độ lớn.
(Theo NBC, Reuters, EAT)