Công nghệ hóa nghề truyền thống

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, những năm gần đây, nhiều làng nghề truyền thống đã thay đổi tư duy, phương thức khi đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, qua đó góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho các hộ dân.

Đưa công nghệ vào sản xuất

Nhờ đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, giúp nhiều hộ kinh doanh tại các làng nghề truyền thống giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Nhờ đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, giúp nhiều hộ kinh doanh tại các làng nghề truyền thống giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Làng nghề mộc Vĩnh Phú, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất mộc dân dụng. Trước đây, các công đoạn sản xuất đều làm bằng thủ công. Ngày nay, để khắc phục những hạn chế trong cách làm thủ công, hầu hết các cơ sở kinh doanh nghề mộc đều trang bị máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đình Diên, chủ cơ sở mộc Đình Diên ở thôn Vĩnh Phú cho hay: Trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nếu chúng tôi không cải tiến thiết bị, máy móc sẽ không thích ứng được với thị trường. Do vậy, năm 2020, tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua máy điêu khắc gỗ CNC cùng với một số thiết bị khác như máy chà, máy cắt, máy đục… để phục vụ sản xuất và nhận gia công cho các cơ sở khác. Từ khi đầu tư máy móc công nghệ vào sản xuất, giá trị và lượng tiêu thụ các sản phẩm đã tăng lên gấp đôi, gấp ba, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Tương tự, tại làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân, xã An Cư (huyện Tuy An), ngoài những sản phẩm chiếu được dệt thủ công, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề truyền thống, một số hộ gia đình đã đầu tư máy móc, cơ giới hóa một phần khâu sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt ở thôn Phú Tân 1, một trong những hộ đầu tư máy móc vào sản xuất ở thôn cho hay: Những năm gần đây, các sản phẩm chiếu thủ công không thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ máy móc công nghiệp. Trước thực trạng đó, tôi đã chủ động nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để đổi mới, cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; đầu tư mua máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm chiếu cói chất lượng.

Theo chị Nguyệt, nếu trước đây 2 người dệt thủ công 1 ngày được 1 đôi chiếu thì nay 1 người đứng máy có thể dệt được 12 đôi chiếu, trung bình mỗi tháng có thể xuất bán ra thị trường hơn 2.000 đôi chiếu, kịp đáp ứng những hợp đồng mua chiếu thành phẩm với số lượng lớn, giúp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động địa phương.

Hiện nhiều nghề truyền thống ở các địa phương khác cũng được người dân áp dụng và đưa máy móc công nghệ vào sản xuất. Hình ảnh những cơ sở, làng nghề truyền thống dần được công nghệ hóa đã không còn xa lạ với nhiều người dân.

Cần cơ chế hỗ trợ, đầu tư

Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đã giúp nhiều hộ làm nghề tại các làng nghề trong tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận do việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mất khá nhiều vốn nên việc tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề còn yếu. Vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành để nâng cao hiệu quả của việc đưa công nghệ vào sản xuất tại các làng nghề.

Điển hình như sản phẩm muối tại làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu). Để nâng cao giá trị sản phẩm và vị thế cho nghề muối, UBND TX Sông Cầu đã hỗ trợ 430 triệu đồng cho HTX Muối Tuyết Diêm thực hiện mô hình sản xuất muối sạch trên nền bạt.

Đến nay, vùng muối Tuyết Diêm đã mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt lên hơn 20ha và sản phẩm muối sạch của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, tạo nền tảng giúp đơn vị từng bước nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống.

“Chúng tôi rất mong các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất cho các hộ làm nghề; khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho các hộ sản xuất được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực đầu tư phát triển nghề truyền thống”, ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm bày tỏ.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp tuyên truyền, khuyến khích các hộ, cơ sở và làng nghề truyền thống chuyển đổi công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giúp sản phẩm truyền thống có chỗ đứng trên thị trường.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông Nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Được UBND huyện hỗ trợ kinh phí, HTX đã chú trọng nghiên cứu về kỹ thuật canh tác dâu, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lá dâu; đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng để phát triển sản phẩm rượu tằm Hòa Phong theo hướng chuyên nghiệp.

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong bối cảnh hội nhập, các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, do đó việc đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được xem là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Chính vì vậy, sự quan tâm, chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng là rất cần thiết và trở thành động lực để các ngành nghề truyền thống phát huy giá trị.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/cong-nghe-hoa-nghe-truyen-thong-77566cc/