Công nghệ ô tô - Nghề học 'hút' học viên

Được đào tạo bài bản, được tiếp cận nhiều công nghệ hiện đại; Sau khi học, sinh viên dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, hoặc tự tạo việc làm cho bản thân…Đó là những lợi thế cơ bản, tạo nên sức 'hút' đặc biệt cho nghề Công nghệ ô tô hiện nay. Với sức hút đó, nghề Công nghệ ô tô luôn đạt số lượng tuyển sinh vượt trội ở các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình trong tiết thực hành. Ảnh: Minh Quang

Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình trong tiết thực hành. Ảnh: Minh Quang

Sau khi học xong THPT, không dự thi đại học, em Trần Hữu Quý, xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn nộp hồ sơ đi học nghề. Nghề mà Quý chọn đó là công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt - Xô. "Em vốn yêu thích môn kỹ thuật, đặc biệt là rất thích lắp ghép các mô hình từ nhỏ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, em đặt luôn nguyện vọng vào học nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt - Xô.

Tất nhiên, nghề công nghệ ô tô không phải dễ học, nó đòi hỏi ở người học sự tỉ mỉ, tinh thần ham học hỏi và nỗ lực thích ứng với sự thay đổi công nghệ diễn ra hàng ngày. Nhưng chính những thách thức ấy lại tạo nên sức hút đặc biệt đối với em.

Ngoài ra, qua tư vấn của thầy cô, doanh nghiệp và quan sát thị trường lao động cho thấy, nghề công nghệ ô tô có nhiều tiềm năng. Khi vào học, em càng yên tâm hơn bởi các anh khóa trước đều dễ dàng xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, nhiều người có thu nhập ngay khi đang trong thời gian thực tập" - Em Quý chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt - Xô: Khoa Cơ khí động lực đang giảng dạy 2 nghề: Nghề vận hành máy thi công nền và Nghề công nghệ ô tô. Đội ngũ giảng viên hiện nay là 18 người, 100% đều đạt chuẩn theo quy định. Nghề Công nghệ ô tô là nghề trọng điểm khu vực ASEAN. Từ năm 2017, nghề Công nghệ ô tô đã được đầu tư từ dự án AFD của Chính phủ Pháp với nguồn kinh phí 1,5 triệu EURO.

Dự án đã đầu tư về trang thiết bị dạy học nghề công nghệ ô tô: xe ô tô; mô hình; thiết bị; dụng cụ... và chương trình, học liệu đào tạo. Do đó, về cơ bản, các trang thiết bị phục vụ cho đào tạo hiện nay của nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp như Hyundai Thành Công, Mitsubishi Ninh Bình… cùng tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, thực tập sản xuất và tiếp nhận học viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc.

Với những lợi thế đó, hàng năm, nghề Công nghệ ô tô là nghề học tuyển được nhiều học viên nhất ở Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt - Xô. Ở thời điểm hiện tại, toàn khoa có trên 300 học viên. Được đánh giá là nghề hợp xu hướng, tỉ lệ học sinh, sinh viên có việc sau khi ra trường đạt từ 90% trở lên. Trong đó, có nhiều em mạnh dạn mở các garage ô tô, giải quyết việc là cho nhiều lao động, đảm bảo nguồn thu nhập tốt.

Đối với Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, Khoa công nghệ ô tô đang đào tạo 2 nghề là: Công nghệ ô tô và Sửa chữa máy thi công xây dựng. Quy mô tuyển sinh hàng năm của Khoa là 340 học sinh, sinh viên.

Được xác định là nghề mũi nhọn, là thế mạnh trong thu hút học viên, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với nghề công nghệ ô tô. Nhờ đó, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Đối với nhà trường, ngành công nghệ ô tô với số lượng tuyển sinh luôn ở tốp đầu và tăng đều mỗi năm. Do đó, mặc dù trong tình hình khó khăn chung về tuyển sinh của các trường nghề nhưng những năm qua kết quả tuyển sinh của Khoa luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2022 đạt 355/340 sinh viên, năm 2023 đến thời điểm hiện tại đã đạt 349/340 sinh viên.

Ông Trần Công Quyền, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Công nghệ ô tô là ngành có sự thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi cả doanh nghiệp, nhà trường và học viên cũng phải thay đổi để thích ứng kịp với sự phát triển của công nghệ.

Nếu không nhanh, người học sẽ tụt hậu, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện nay. Vì vậy, trong chương trình đào tạo ngành công nghệ ô tô, ngoài sự quan tâm đến học sinh, sinh viên; đổi mới chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng giảng dạy… thì yếu tố rất quan trọng là hoàn thiện các trang thiết bị học tập.

Theo đó, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cũng đã tập trung nguồn lực để đầu tư trang thiết bị cho khoa… với kinh phí hàng chục tỷ đồng để đảm bảo các trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu về đào tạo hiện nay. Đặc biệt, xác định rõ, đối với nghề công nghệ ô tô, để đạt chất lượng cao trong đào tạo thì việc học hỏi kiến thức thực tế tại các doanh nghiệp là rất cần thiết. Với tầm quan trọng ấy, học sinh, sinh viên nhà trường được kết nối, liên hệ đến thực tập tại các doanh nghiệp lớn.

Tại đây, học sinh, sinh viên được tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình thực tập; được tiếp cận với công cụ, thiết bị hiện đại, công nghệ mới nhất của hãng. Đồng thời, tập huấn các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc. Nhiều em đã được nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Việc liên kết trong đào tạo, không chỉ giúp cho sinh viên tiệm cận được với nhu cầu của doanh nghiệp mà đây cũng là "kênh" giúp doanh nghiệp tuyển dụng được những lao động theo đúng nhu cầu.

Các doanh nghiệp mà nhà trường đã ký kết hợp tác đào tạo và thực tập cho học sinh, sinh viên là: Honda Hà Nam, KIAMazda Ninh Bình, Mitsubishi Ninh Bình… và rất nhiều xưởng sửa chữa ô tô trong tỉnh. Học sinh, sinh viên tham gia thực tập sản xuất tại các doanh nghiệp được các doanh nghiệp đánh giá rất cao và thường nhận hết số học sinh thực tập vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cong-nghe-o-to-nghe-hoc-hut-hoc-vien/d20230929081122553.htm