Công nghệ sau thu hoạch: Hiệu quả kinh tế và an toàn thực phẩm

Lợi ích của công nghệ sau thu hoạch (CNSTH) là thấy rõ: giảm tổn thất, nâng chất lượng, lợi nhuận tăng lên và an toàn thực phẩm đối với người sử dụng.

Trao đổi về sản phẩm sau chế biến của Công ty TNHH Xuân Thành Trang

Trao đổi về sản phẩm sau chế biến của Công ty TNHH Xuân Thành Trang

Quyết định lớn đến hiệu quả kinh tế

Hội thảo khoa học giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà quản lý, nông dân ở Việt Nam (trong đó chủ yếu ở Lâm Đồng) cùng chuyên gia của Viện Mekong tại Thái Lan vừa triển khai tại Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL). PGS, TS Sinh học Nguyễn Văn Kết chia sẻ với chúng tôi: “CNSTH bao gồm thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển… Muốn thu hoạch chất lượng phải liên quan đến tiền thu hoạch, từ giống, đất đai, quy trình chăm sóc…”. Tuy nhiên, CNSTH đòi hỏi đầu tư rất nhiều. Ngược lại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật này sẽ đẩy giá trị kinh tế lên gấp rất nhiều lần. TS Kết ví dụ, cải thảo giá đầu bờ chỉ tính tiền ngàn nhưng đưa vào quy trình lên men, đóng hộp, nó trở thành món kim chi của Hàn Quốc giá hàng trăm ngàn; hoặc cà chua, nông dân bán chỉ trên dưới chục ngàn nhưng qua khâu chế biến thành các loại sản phẩm cà chua khác nhau như dạng bột, kem, tương… nó đã trở thành món hàng lên tới hàng trăm ngàn đồng. CNSTH là sản phẩm vừa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), vừa có giá trị kinh tế cao, để được lâu dài, không bị ép giá… TS Nguyễn Văn Kết cũng khẳng định: Ở Lâm Đồng, áp dụng CNSTH vẫn đang là tự phát; chủ yếu triển khai ở các doanh nghiệp lớn, còn tại các viện, các trường dù có nền tảng kiến thức nhưng thiếu đầu tư máy móc.

Chúng tôi cũng trao đổi với ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP, đơn vị trực tiếp sản xuất, thu hoạch, xuất khẩu nông sản rất hiệu quả trong nhiều năm. Ông Cường nói: “CNSTH ở Việt Nam còn rất kém, bởi vậy nông dân mình làm ra sản phẩm còn mất giá trị rất nhiều. Tôi muốn nói đến kém ở đây, ví dụ bảo quản sau thu hoạch (STH) là một công nghệ nông dân chưa thực hiện được”. Ông cho biết: ở Đà Lạt, rau, củ, quả chở ra miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh hao từ 15-30% về mặt số lượng. Một bó hoa của Dalat Hasfarm bán được khoảng 90 ngàn, trong khi hoa của nông dân bán được cỡ 15 ngàn. Nhưng người Sài Gòn họ mua bó hoa của Hasfarm vì cắm được lâu hơn. Hoặc CNSTH liên quan đến khâu chế biến hiện Việt Nam cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ông Cường lấy ví dụ bơ, sầu riêng một vài năm tới sản lượng sẽ tăng cao, giá trị theo đó giảm mạnh do khâu chế biến không có, giá trị dinh dưỡng giảm đi nhiều do không biết cách bảo quản. Ông nói: “Tôi nghĩ Nhà nước rất quan tâm đến nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng, nhưng trồng trọt nhiều phải nghĩ đến CNSTH. Ví dụ như ở Lâm Đồng, các sản phẩm rau, hoa, quả lúc thừa không bảo quản được lúc lại thiếu trầm trọng. Ví dụ khoai tây Đà Lạt ở công ty chúng tôi, sau thu hoạch chúng tôi bảo quản được 6 tháng với điều kiện chỉ cần kho lạnh thôi. Giá khoai tây bây giờ 30-40 ngàn đồng trong khi chính vụ chỉ 15 ngàn đồng thôi. Bức xúc nhất là rau và hoa ở Lâm Đồng, rất nhiều bà con chưa được hướng dẫn, chưa được tập huấn CNSTH. Tại sao hoa của Hasfarm họ bán tại Thành phố Hồ Chí Minh gấp 3 gấp 4 lần của nông dân mình?”. Tiền đầu tư kho lạnh rất lớn, nông dân không làm được, cần có tổ chức làm và cho thuê kho lạnh như ở tỉnh khác. Đó là một giải pháp giải cứu mùa thu hoạch rộ. Nhấn mạnh vấn đề tổn thất STH rất lớn, bà Cao Thị Làn, quyền Trưởng khoa Nông - Lâm của ĐHĐL cung cấp: tỷ lệ hao hụt ở Việt Nam từ 20-25%; trong đó, rau ăn lá 26%, rau ăn quả 22%, các loại rau, củ, quả 17%.

Đặc biệt quan tâm về an toàn thực phẩm

Vấn đề ATTP liên quan rất mật thiết đến CNSTH. ATTP dần trở thành mối quan tâm kinh tế, xã hội và chính trị ở nhiều quốc gia đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính gần đây có hơn 150 triệu người ở các nước Đông Nam Á mắc bệnh, trong khi hơn 175.000 người chết hàng năm do các bệnh liên quan đến thực phẩm. Trong số này, 60 triệu người đổ bệnh và 50.000 người tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm 170 vụ với hơn 5.000 người bị bệnh và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ ung thư tăng cao nhất thế giới, chiếm 35%. Khi thế giới ngày càng nhận thức được hậu quả của thực phẩm không an toàn, nhu cầu đảm bảo ATTP trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Viện Mekong triển khai một dự án về ATTP cấp khu vực, do Chính phủ New Zealand viện trợ, nhằm cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ cho chính quyền địa phương, tổ chức tư nhân và viện, trường 4 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Trong đó, “Thúc đẩy thực phẩm an toàn cho mọi người” là giai đoạn 2 của dự án này, triển khai thực hiện từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2023. Ở Việt Nam, Khoa Nông - Lâm, ĐHĐL là đầu mối hợp tác với Viện triển khai dự án. Bà Ratna Devi Nadarajian - Trưởng phòng Phát triển và thương mại nông nghiệp, Viện Mekong cho biết mục tiêu của dự án là nâng cao trách nhiệm và tăng cường nhận thức ATTP cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị trồng trọt. Các điểm chính gồm: thúc đẩy ATTP trong toàn bộ chuỗi giá trị; kết hợp sự tham gia của khu vực công và tư nhân; giải quyết các nhu cầu đào tạo của quốc gia; tiếp cận có kế hoạch để hỗ trợ việc áp dụng kiến thức và các kỹ năng; sử dụng kiến thức chuyên môn về ATTP của New Zealand và khu vực. Bà Ratna nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng dự án quan tâm đến CNSTH của nông nghiệp ở 4 quốc gia sẽ đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm ATTP cho khu vực và cả thế giới”.

Theo bà Cao Thị Làn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất vệ sinh ATTP, đó là ô nhiễm các loại vi sinh vật, do nhiễm các loại hóa chất độc hại trong quá trình bảo quản, lưu thông hàng hóa; do sử dụng không đúng cách các loại phụ gia, phụ phẩm nhằm làm tăng thời gian sử dụng và độ hấp dẫn của thực phẩm hoặc do bản thân các loại thực phẩm có các loại độc tố… Nhiều nhà khoa học và chuyên gia đi sâu phân tích những vấn đề cụ thể từ kết quả nghiên cứu khoa học và từ thực tế triển khai CNSTH. Ví dụ, ông Nguyễn Tiến An với nội dung “Xác định các mối nguy chính về ATTP STH và các thực hành quan trọng STH”; bà Lê Thị Bích bàn sâu vấn đề thực hành tốt nhất CNSTH của rau quả, nhằm giảm tổn nhất ở mức cao nhất và vừa đảm bảo về ATTP; ThS Nguyễn Thị Tươi (ĐHĐL) cung cấp “các mối nguy về ATTP và thực hiện GAP/GMP”; TS. Nguyễn Bá Hùng (Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ) với nhiều thông tin “thực hành chế biến bảo quản an toàn STH”…

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/cong-nghe-sau-thu-hoach-hieu-qua-kinh-te-va-an-toan-thuc-pham-3033904/