Công nghệ số cần 'xanh' hơn để giảm thiểu tiêu hao năng lượng

Chuyển đổi số không chỉ là một phần của cuộc cách mạng công nghệ, mà còn cần phải hướng tới tính bền vững. Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu, các công nghệ số cần được thiết kế và phát triển sao cho 'xanh' hơn, giảm thiểu tác động tới con người và môi trường.

Toàn cảnh hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”.

Toàn cảnh hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh phải song hành vì tương lai bền vững

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai xu hướng bắt buộc và là chiến lược ưu tiên của Việt Nam nhằm phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Đối với chuyển đổi số, mặc dù đi sau chuyển đổi xanh nhưng trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt dưới tác động của dịch COVID-19, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng chính trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, kinh tế số đóng góp 12% vào GDP của Việt Nam, và đến năm 2023, con số này đã tăng lên 16,5%.

Thông tin trên được ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11.

Để mở đầu cho các nội dung thảo luận tại hội thảo, ông Lê Việt Anh đã gợi mở một số vấn đề chính về định hướng chuyển đổi kép của Việt Nam trong thời gian tới.

Trước hết, ông nhấn mạnh rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau, dựa trên nền tảng là khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, đầu tư ưu tiên vào khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi kép này.

Tiếp theo, ông Việt Anh khẳng định rằng đích đến của chuyển đổi kép là nhằm phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm. Do đó, quá trình này cần phải đảm bảo công bằng và giảm thiểu tác động đối với các nhóm yếu thế như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.

Đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt xu thế tiến bộ về khoa học và đổi mới sáng tạo trên thế giới. Điều này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và thông tin.

Cuối cùng, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần phải song hành, bổ trợ lẫn nhau. Công nghệ số không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải, mà chính công nghệ số cũng cần trở nên "xanh" hơn để giảm bớt tiêu hao năng lượng.

Chuyển đổi kép - tương lai bền vững của doanh nghiệp Việt Nam

Tại hội thảo, các diễn ra đã cùng nhau chia sẻ thêm về xu hướng chuyển đổi kép trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Trường Bùi - Tổng giám đốc Roland Berger, các doanh nghiệp FDI cũng đang chủ động áp dụng xu hướng số hóa, tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI và tự động hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Trường Bùi lấy ví dụ, các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển đổi kép, khi kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo với chuyển đổi số.

"Những nỗ lực này không chỉ giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả mà còn đóng góp vào mục tiêu kinh tế của Việt Nam, khẳng định vị thế của quốc gia này như một điểm đến hàng đầu của FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới," Tổng giám đốc Roland Berger cho hay.

Tuy nhiên các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp cận với xu hướng chuyển đổi nhanh hơn, chuyển từ nhận thức thành hành động rõ ràng hơn. Còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chuyển về nhận thức, chưa có nhiều hành động rõ rệt

Theo bà Lê Minh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi kép hướng đến tương lai bền vững.

Bà Trang cho hay, các ngành chịu tác động lớn nhất từ xu hướng tiêu dùng xanh và quan tâm đến lối sống bền vững tại Việt Nam tiêu biểu có thể kể đến thực phẩm và đồ uống, chăm sóc cá nhân, sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), điện tử tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm hữu cơ, bao bì thân thiện với môi trường, và thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Một trong những khó khăn lớn nhất là việc thiếu công nghệ có thể mở rộng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ cần thiết để triển khai các giải pháp bền vững, từ đó không tận dụng được các lợi ích từ đổi mới công nghệ.

Ngoài ra, chi phí sản xuất cao là một rào cản lớn, vì việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững thường đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, làm tăng chi phí hoạt động. Các doanh nghiệp nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc xác định những yếu tố quan trọng để tối ưu hóa hiệu suất bền vững, do thiếu nguồn lực và chuyên môn.

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm rõ từng bước trong chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng mọi quy trình đều đáp ứng tiêu chuẩn bền vững," bà Lê Minh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), chia sẻ tại hội thảo.

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm rõ từng bước trong chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng mọi quy trình đều đáp ứng tiêu chuẩn bền vững," bà Lê Minh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), chia sẻ tại hội thảo.

Tuy vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tận dụng nhiều cơ hội trong quá trình chuyển đổi sang mô hình bền vững. Việc áp dụng chiến lược sản xuất xanh đã giúp nhiều doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khách hàng, đồng thời ghi nhận sự gia tăng lòng trung thành từ phía người tiêu dùng.

Vì vậy, đại diện NielsenIQ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa chi phí đầu tư và lợi ích dài hạn để phát triển chiến lược bền vững hiệu quả.

Ngoài ra, theo bà Lê Minh Trang, cần nắm rõ từng bước trong chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng mọi quy trình đều đáp ứng tiêu chuẩn bền vững. Không nên tăng giá quá cao cho sản phẩm bền vững do việc tăng giá không hợp lý có thể khiến người tiêu dùng không mặn mà với sản phẩm.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cong-nghe-so-can-xanh-hon-de-giam-thieu-tieu-hao-nang-luong-35540.html