Công nghệ tạo hình mở ra kỷ nguyên mới cho ngành thời trang
Ngành thời trang đang bước vào một kỷ nguyên mới. Công nghệ tạo hình (prosthetics) cùng các thương hiệu như Balenciaga, Collina Strada hay Avavav liên tục thách thức ranh giới giữa con người và nghệ thuật...
Trong Tuần lễ Thời trang Paris Thu-Đông 2025, nhà thiết kế người Hà Lan Duran Lantink tiếp tục phá vỡ khuôn khổ với những thiết kế táo bạo. Sàn diễn của anh được đặt trong một không gian văn phòng đậm chất viễn tưởng, gợi nhớ đến bộ phim "Severance". Bộ sưu tập gây ấn tượng với những phom dáng biến tấu đầy sáng tạo cùng các họa tiết động vật độc đáo và những chiếc quần jeans hở phần mông táo bạo.

Tại Tuần lễ Thời trang Paris, những người mẫu trên sàn diễn của Duran Lantink đã khoác lên mình các bộ phận giả mô phỏng cơ bụng săn chắc và vòng ngực đầy đặn, tạo nên hiệu ứng thị giác ấn tượng.
Tuy nhiên, tâm điểm của buổi diễn lại thuộc về hai thiết kế sử dụng công nghệ tạo hình cơ thể giả (prosthetics). Đầu tiên là cơ bụng sáu múi săn chắc mà người mẫu Mica Arganãraz trình diễn. Đỉnh cao của sự bất ngờ là khi người mẫu nam Chandler Frye xuất hiện với một chiếc áo giả với cơ ngực cơ bắp. Những hình ảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu về hàng triệu lượt xem.
Xu hướng công nghệ tạo hình lên ngôi
Làn sóng sử dụng prosthetics trong thời trang đang ngày càng mạnh mẽ. Trong những mùa thời trang gần đây, nhiều thương hiệu lớn như Martine Rose, Collina Strada và Balenciaga đã sử dụng các bộ phận giả, mặt nạ và kỹ thuật trang điểm 3D để biến người mẫu thành động vật, người ngoài hành tinh... Một trong những ví dụ ấn tượng nhất đến từ Avavav – thương hiệu thời trang tại Stockholm – khi tạo ra một phiên bản mông bằng silicone lấy cảm hứng từ Kim Kardashian.

Collina Strada đã hợp tác với chuyên gia trang điểm Isamaya Ffrench để tạo ra các bộ phận giả trên khuôn mặt mang hình dạng động vật cho bộ sưu tập Thu-Đông 2023 của mình.

Chuyên gia trang điểm Inge Grognard đã nhấn mạnh cấu trúc xương gò má của các người mẫu trong show Xuân-Hè 2020 của Balenciaga, tạo nên hiệu ứng sắc sảo và cuốn hút.
Tanya Noor, giảng viên ngành tóc, trang điểm và công nghệ tạo hình tại Trường thời trang London, nhận định: “Các nhà thiết kế đang sử dụng prosthetics để thách thức tiêu chuẩn sắc đẹp, khám phá sự biến đổi và bản sắc, đồng thời tạo ra một câu chuyện văn hóa rộng lớn hơn”.
Kết quả chân thực và đầy ấn tượng
Prosthetics không phải là một phát minh mới. Những bộ phận giả đầu tiên được biết đến – hai ngón chân nhân tạo – có từ thời Ai Cập cổ đại, được sử dụng để hỗ trợ đi lại. Khoảng 300 năm sau, vào năm 300 TCN, chiếc chân giả đầu tiên ra đời, được làm từ đồng và gỗ, dành cho một quý tộc La Mã.
Sau đó, công nghệ này được ứng dụng vào nghệ thuật và giải trí. Từ thời kỳ đầu của điện ảnh vào năm 1895, prosthetics được làm từ hỗn hợp cao su, bông và sáp. Đến những năm 1930, nhờ phát minh của Don Post – người được mệnh danh là “Bố già của Halloween” – mặt nạ cao su trở nên phổ biến. Cũng từ đó, prosthetics đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật, giúp các nghệ sĩ thể hiện nhiều hình thái nữ tính khác nhau bằng ngực và hông giả.

Doja Cat gây chú ý tại Met Gala 2023 khi xuất hiện với gương mặt giả mô phỏng chú mèo cưng của cố Karl Lagerfeld, tạo nên khoảnh khắc thời trang độc đáo.
Ngày nay, prosthetics được sử dụng rộng rãi trong điện ảnh, sân khấu và thảm đỏ. Bộ phim kinh dị "The Substance" (2024) đã giành giải Oscar nhờ công nghệ tạo hình ấn tượng giúp các diễn viên Demi Moore và Margaret Qualley biến đổi diện mạo. Dù vậy, Qualley tiết lộ rằng việc sử dụng prosthetics đã khiến da cô tổn thương trong suốt một năm.
Thảm đỏ cũng chứng kiến nhiều màn biến hóa kỳ công nhờ prosthetics. Nghệ sĩ trang điểm hiệu ứng đặc biệt Malina Stearns đã tạo nên diện mạo hóa mèo cho Doja Cat tại Met Gala 2023, cũng như hình tượng người ngoài hành tinh của Sabrina Carpenter tại VMAs 2024. Khuôn mặt lấy cảm hứng từ cá sấu của Doechii.
Công nghệ tạo hình và sự phá vỡ giới hạn giới tính
Lantink không phải là nhà thiết kế duy nhất sử dụng prosthetics để thách thức ranh giới giới tính. “Tôi đã từng gắn rất nhiều bộ ngực giả cho nam giới và ngược lại”, Stearns chia sẻ qua email. Nhờ công nghệ quét và in 3D, prosthetics ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn. Ngành thời trang cũng ngày càng lấy cảm hứng từ ngành công nghiệp giải trí và không ngại khai thác kho đạo cụ của Hollywood.
Năm 2019, Balenciaga hợp tác với nghệ sĩ trang điểm Inge Grognard để tạo ra gò má và đôi môi cực đại cho người mẫu trình diễn. Nhiếp ảnh gia Nadia Lee Cohen đã sử dụng một loạt prosthetics, tóc giả và trang phục để hóa thân thành 33 nhân vật trong dự án "HELLO My Name Is" (2022). Trong khi đó, Alexis Stone thường xuyên xuất hiện tại Tuần lễ Thời trang Paris với tư cách là bản sao của những người nổi tiếng.

Alexis Stone đã tham dự buổi trình diễn Haute Couture năm 2024 của Balenciaga tại Paris trong trang phục thành Miranda Priestly, nhân vật hư cấu trong "The Devil Wears Prada".
Một trong những người tiên phong của xu hướng này là chuyên gia trang điểm Isamaya Ffrench, người đã biến người mẫu thành yêu tinh cho Burberry, người ngoài hành tinh cho Paco Rabanne và động vật cho Collina Strada. Nhà sáng lập thương hiệu Collina Strada, Hillary Taymour, cho biết: “Bộ sưu tập Xuân-Hè 2023 của chúng tôi nói về việc phá vỡ rào cản giữa con người và thiên nhiên. Việc biến người mẫu thành những sinh vật lai giữa người và động vật là điều hoàn toàn phù hợp”.
Nghệ thuật hay một điều gì hơn thế?
Prosthetics trong thời trang không chỉ là một công cụ biểu đạt nghệ thuật, mà còn phản ánh thực tế về sự phổ biến của các thủ thuật thẩm mỹ như tiêm filler hay nâng cơ mặt. Năm ngoái, Martine Rose đã đưa những người mẫu với chiếc mũi giả lên sàn diễn Milan để đặt câu hỏi về tiêu chuẩn sắc đẹp châu Âu.

Sabrina Carpenter mang đến màn trình diễn ấn tượng tại Lễ trao giải Video âm nhạc MTV 2024, xuất hiện cùng một nhân vật người ngoài hành tinh được tạo dựng bằng chân tay giả.
Dù vậy, Stearns nhận định rằng sự trỗi dậy của prosthetics trong thời trang có thể liên quan nhiều hơn đến nghệ thuật hơn là thẩm mỹ đơn thuần. “Thời trang luôn là cuộc chơi của sự chú ý và prosthetics là một công cụ hoàn hảo để tạo ra những khoảnh khắc gây sốt”, Noor nói.
Taymour coi prosthetics là một cách để mở rộng ranh giới nghệ thuật. “Thời trang vốn luôn liên quan đến việc khám phá bản sắc, nhưng prosthetics đưa nó lên một tầm cao mới”, cô nhận định. “Tại sao chỉ dừng lại ở quần áo khi chúng ta có thể tạo hình cả cơ thể?”.
Taymour tin rằng prosthetics sẽ không dừng lại ở việc tạo hình ở bộ phần như mặt hoặc tay, mà có thể được tích hợp vào các thiết kế thời trang động, như một chiếc váy biết thở hay một cái đuôi có thể đong đưa theo nhịp bước đi. “Thời trang luôn mang một chút yếu tố viễn tưởng. Và chúng ta nên đưa nó đi xa hơn nữa”, cô nói.