Công nghệ thay đổi 'cuộc chơi' trong hành trình hướng đến phát triển bền vững
Trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ đang không chỉ là công cụ, mà còn là 'trợ thủ' đắc lực, tạo nên những bước ngoặt trong hành trình hướng đến phát triển xanh và bền vững. Câu chuyện về những sáng kiến đột phá đang được chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025 là minh chứng rõ ràng rằng: Khi được áp dụng đúng cách, công nghệ có thể thay đổi cả 'cuộc chơi'.
Một trong những câu chuyện tiêu biểu được giới thiệu tại phiên thảo luận về “Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh” là sáng kiến của Vambo AI – một startup khởi nguồn từ Nam Phi và Kenya. Vambo AI đã phát triển nền tảng sử dụng AI để dịch văn bản và giọng nói sang hơn 40 ngôn ngữ bản địa châu Phi, giúp thông tin về nông nghiệp thông minh, nước sạch hay chăm sóc y tế tiếp cận người dân bằng chính ngôn ngữ của họ.

Hình chụp màn hình ứng dụng Vambo AI.
Bà Marie Louise Pollmann-Larsen, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Skylab, cho biết: “Đây là cách để trân trọng, bao hàm và trao quyền cho những cộng đồng có ngôn ngữ riêng, từ việc tiếp cận giáo dục đến các thông tin thiết yếu”.
Bà cũng nhấn mạnh: “Điều khiến Vambo AI trở nên đặc biệt là họ kết hợp giữa công nghệ AI tiên tiến và đạo đức trong phát triển, đặc biệt chú trọng đến tính không thiên lệch, tôn trọng văn hóa bản địa và giới hạn việc AI học một cách không kiểm soát”.
Tại Việt Nam, một sáng kiến khác cũng gây ấn tượng mạnh tại P4G 2025 là pin cát - giải pháp lưu trữ năng lượng từ cát nóng. Ý tưởng này được phát triển bởi Alterno, một startup công nghệ năng lượng.
Pin cát hiện đang được ứng dụng trong các nhà máy chế biến trà, snack, cà-phê - tận dụng nhiệt từ điện dư thừa để sấy sản phẩm, từ đó vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Mô hình nhà máy ứng dụng Pin cát của Alterno. (Ảnh: HẢI YẾN)
Theo anh Nguyễn Tân, đại diện Alterno: “Pin cát không phải là sản phẩm mới lạ. Ở châu Âu, họ đã dùng cho mục đích sưởi ấm. Nhưng ở Việt Nam, sản phẩm chúng tôi tạo ra có lẽ là cục pin cát đầu tiên trên thế giới ứng dụng cho sấy sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp”. Mô hình này đang giúp nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm chuyển mình theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Những câu chuyện truyền cảm hứng từ Vambo AI hay pin cát chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ cho thấy tiềm năng to lớn của công nghệ – đặc biệt là AI – trong hành trình hướng đến một tương lai bền vững. Tuy nhiên, để các sáng kiến này không chỉ dừng lại ở mô hình thử nghiệm mà có thể nhân rộng và tạo ảnh hưởng lâu dài, điều cần thiết là phải xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện.
Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi xanh
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh là một chặng đường dài. Chúng ta cần một hệ sinh thái xanh toàn diện: thể chế xanh, hạ tầng xanh, nhân lực xanh, dữ liệu xanh, văn hóa xanh và đặc biệt là công nghệ xanh”.
Theo Bộ trưởng, AI đang trở thành chìa khóa phát triển mới của Việt Nam, nhưng điều cốt lõi là AI phải tăng quyền năng cho con người – chứ không thay thế con người. “Trí tuệ nhân tạo phải làm cho con người thông minh hơn. Đó là yêu cầu số một”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận về Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh.(Ảnh: DUY LINH)
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya Soipan Tuya chia sẻ kinh nghiệm từ Kenya – nơi đang triển khai nhiều ứng dụng AI phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Soipan Tuya cho biết: “Công ty điện lực quốc gia KenGen đã sử dụng lưới điện thông minh ứng dụng AI để cân bằng giữa năng lượng địa nhiệt và gió. Chúng tôi cũng dùng AI để dự báo lũ lụt, giám sát phá rừng và hỗ trợ chương trình trồng 15 tỷ cây trong 10 năm”.
Theo bà Soipan Tuya, các ngành công nghiệp có thể ứng dụng công nghệ số để khử carbon bằng cách tối ưu hóa sử dụng năng lượng – sản xuất ra cùng một sản lượng nhưng tiêu tốn ít năng lượng hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Kenya Soipan Tuya chia sẻ tại phiên thảo luận về Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh. (Ảnh: DUY LINH)
Bà Tuya cũng kêu gọi sự chung tay: “Chính phủ, startup, doanh nhân và nhà sáng tạo cần hợp lực vì một quá trình chuyển đổi xanh công bằng và bền vững trong thời đại trí tuệ nhân tạo mà chúng ta đang sống”.
Tham gia đối thoại, ông Kyu Tae Park, Tổng Giám đốc Avalve, cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác công-tư như một yếu tố then chốt để hiện thực hóa tầm nhìn về một nền kinh tế thông minh.
Theo ông Kyu Tae Park, trong bối cảnh lực lượng lao động nông thôn tại Việt Nam đang ngày càng già hóa, việc chuyển đổi từ mô hình canh tác truyền thống, vốn phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức lao động, sang mô hình nông nghiệp dữ liệu là điều cấp thiết.

Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận về Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh. (Ảnh: DUY LINH)
“Với hơn 70% dân số Việt Nam làm nông nghiệp, đây chính là lĩnh vực cần được chuyển đổi mạnh mẽ nhất”, ông Kyu Tae Park nói. Ông dẫn chứng về mô hình trang trại thẳng đứng điều khiển bằng công nghệ, giúp tiết kiệm đến 90% lượng nước, loại bỏ ô nhiễm đất và tăng cường an ninh lương thực.
“AI và robot sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam không chỉ nâng cao năng suất mà còn sẵn sàng cho xuất khẩu bền vững trong tương lai”, ông Kyu Tae Park khẳng định.
Rõ ràng, chuyển đổi xanh không chỉ là việc thay đổi công nghệ, mà còn là thay đổi cả tư duy phát triển, mô hình sống và cách tiêu dùng. Khi công nghệ được dẫn dắt bởi con người và phục vụ con người, nó không chỉ hỗ trợ, mà còn có thể thúc đẩy toàn bộ xã hội tiến nhanh hơn đến một tương lai bền vững.