Công nghệ thông tin hay Khoa học máy tính: Chọn ngành nào trong kỷ nguyên số?

Công nghệ thông tin tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề, trong khi KHMT tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển và tối ưu hóa công nghệ.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, công nghệ ngày càng thâm nhập sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, kéo theo sức hút lớn đối với các ngành học liên quan đến máy tính. Trong đó, Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính là hai lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, chính sự gần gũi này lại khiến không ít thí sinh băn khoăn khi đứng trước lựa chọn: nên theo học Công nghệ thông tin hay Khoa học máy tính?

Nhằm giúp thí sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hai ngành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Vũ - Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học CMC, đã có những phân tích cụ thể về đặc điểm đào tạo và cơ hội nghề nghiệp của từng lĩnh vực.

Sự khác biệt trong định hướng ngành học

Theo Phó Giáo sư Vũ, cả hai lĩnh vực Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính đều quan trọng và bổ trợ cho nhau, nhưng Công nghệ thông tin tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề, trong khi Khoa học máy tính tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển và tối ưu hóa công nghệ.

Lấy ví dụ trong quy trình sản xuất điện thoại thông minh: Khoa học máy tính tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cơ bản, nghiên cứu các thuật toán nền tảng, phát triển hệ điều hành, cải tiến các tính năng thông minh của điện thoại.

Trong khi đó, Công nghệ thông tin tập trung vào triển khai cho hoạt động của chiếc điện thoại, xây dựng phần mềm, tích hợp hệ thống, quản lý bảo mật.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Vũ - Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học CMC.Ảnh: CMC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Vũ - Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học CMC.Ảnh: CMC

Phó Giáo sư Vũ phân tích, sinh viên ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính đều được trang bị các môn học cơ bản, nền tảng thuộc khối kiến thức cơ sở ngành như nhau. Tuy nhiên, mỗi ngành đều có đặc trưng riêng, nên chương trình đào tạo cũng được thiết kế chú trọng vào một số môn học thể hiện đặc trưng này.

Ngành Công nghệ thông tin chú trọng vào ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển hệ thống, mạng và cơ sở dữ liệu để giải quyết vấn đề thực tế. Sinh viên sẽ được học và thực hành kỹ các môn học về quản trị hệ thống, quản trị mạng, quản trị cơ sở dữ liệu, phát triển phần mềm, an ninh mạng. Nhà trường cũng đưa ra các định hướng chuyên ngành sâu: Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Điện toán đám mây.

Trong khi đó, chương trình ngành Khoa học máy tính lại tập trung phát triển năng lực nghiên cứu và tư duy thuật toán. “Ngành Khoa học máy tính chú trọng phát triển tư duy logic, nghiên cứu, phát triển và tối ưu hóa công nghệ mới, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Sinh viên sẽ được học và thực hành kỹ các môn học về thuật toán và cấu trúc dữ liệu, lý thuyết tính toán, lập trình. Các định hướng chuyên ngành sâu của nhà trường: Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, Phát triển phần mềm, Hệ thống thông tin.

Theo đó, một sinh viên theo học ngành Công nghệ thông tin hoặc Khoa học máy tính cần có những kỹ năng cơ bản: kỹ năng lập trình, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp, tư duy logic.

“Cả hai ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính đều yêu cầu tư duy logic, kỹ năng lập trình. Tuy nhiên, Khoa học máy tính yêu cầu tư duy toán học mạnh hơn để giải quyết các vấn đề phức tạp, thiết kế thuật toán tối ưu và phát triển các hệ thống tính toán mới, trong khi tư duy thực tiễn và kỹ năng triển khai công nghệ giải quyết vấn đề trong các ứng dụng thực tế sẽ đóng vai trò quan trọng hơn với ngành Công nghệ thông tin”, Phó Giáo sư Vũ lưu ý.

 Sinh viên CMC trải nghiệm các công nghệ tiên tiến trong môi trường thực tế.Ảnh: CMC

Sinh viên CMC trải nghiệm các công nghệ tiên tiến trong môi trường thực tế.Ảnh: CMC

Trước câu hỏi ngành nào đang “hot” hơn trong bối cảnh chuyển đổi số, Phó Giáo sư Vũ cho rằng Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính đều giữ vai trò then chốt và có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau trong sự phát triển công nghệ hiện nay.

"Ngày nay, sinh viên ngoài việc được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn vững vàng, họ còn được phát triển năng lực tự học để thích nghi và đáp ứng sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ”, vị Trưởng khoa nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư Vũ, sinh viên tốt nghiệp từ cả hai ngành đều có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin/Khoa học máy tính có thể đảm nhận những công việc về lập trình, phát triển phần mềm, quản trị hệ thống, quản trị mạng, bảo mật thông tin, quản lý dự án, phân tích dữ liệu, phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhà nghiên cứu.

Sinh viên thực hành với dự án thực tế ngay từ năm nhất

 Sinh viên thực tập tại CMC Global như 1 nhân viên chính thức trong vòng 4 tháng. Ảnh: CMC

Sinh viên thực tập tại CMC Global như 1 nhân viên chính thức trong vòng 4 tháng. Ảnh: CMC

Chia sẻ về điểm khác biệt trong đào tạo Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính tại Trường Đại học CMC, Phó Giáo sư Vũ Việt Vũ cho biết, nhà trường thiết kế chương trình theo định hướng tiếp cận chuẩn kiểm định ABET - tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.

“Các chương trình đào tạo được xây dựng gắn với nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính. Các môn học được thiết kế theo hướng cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất như AI, học máy, khoa học dữ liệu, và blockchain và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực”, Phó Giáo sư Vũ cho biết.

Đặc biệt, sự tham gia sâu của đội ngũ chuyên gia đến từ Tập đoàn CMC đã tạo nên tính thực tiễn cao cho chương trình học. Theo thầy Vũ, từng bài giảng, bài tập, đồ án, chương trình thực tập đều gắn với thực tiễn doanh nghiệp. Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu theo các định hướng chuyên ngành, đồng thời thực hành với các dự án thực tế ngay từ năm đầu. Kỳ thực tập On Job Training kéo dài 16 tuần tại doanh nghiệp với sự huấn luyện và dẫn dắt của các chuyên gia tại doanh nghiệp cũng là điểm nhấn quan trọng của quá trình đào tạo.

Song song với đó, sinh viên còn có cơ hội thực tập, học các khóa ngắn hạn và làm khóa luận tốt nghiệp tại nước ngoài. Theo Phó Giáo sư Vũ, môi trường học tập tại Trường Đại học CMC còn được nâng tầm nhờ hệ sinh thái doanh nghiệp lớn mạnh: “Sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc, nghiên cứu tại Tập đoàn CMC ngay trong quá trình học. Sinh viên được tham gia vào các dự án thực tế, được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và học hỏi từ các chuyên gia trong ngành”.

Ngoài ra, nhà trường cũng phát triển mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các đối tác công nghệ, giúp sinh viên sớm tiếp cận thị trường lao động. “Nhà trường có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thành viên trong Tập đoàn CMC và các đối tác công nghệ khác để tạo ra cơ hội việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Sinh viên có thể dễ dàng tìm được việc làm trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, quản lý hệ thống mạng, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo…”

 Sinh viên CMC được thực hành với cơ sở vật chất hiện đại.Ảnh: CMC

Sinh viên CMC được thực hành với cơ sở vật chất hiện đại.Ảnh: CMC

Về cơ sở vật chất, nhà trường đầu tư đồng bộ các phòng học hiện đại, phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu, cùng các hệ thống phần mềm hỗ trợ học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học và nghiên cứu.

Như Phó Giáo sư Vũ Việt Vũ chia sẻ, mỗi ngành học đều có thế mạnh và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ. Thay vì chỉ chú trọng vào việc ngành nào 'hot' hơn, học sinh nên cân nhắc và xác định rõ thế mạnh, đam mê của bản thân. Điều này sẽ giúp học sinh lựa chọn ngành học phù hợp với định hướng nghề nghiệp lâu dài và phát huy tối đa khả năng của mình.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cong-nghe-thong-tin-hay-khoa-hoc-may-tinh-chon-nganh-nao-trong-ky-nguyen-so-post251031.gd