Công nghệ thực tế ảo có xúc giác giành Quán quân cuộc thi Sáng tạo trẻ
Từ 11 đề án được chọn vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024, sản phẩm nghiên cứu phát triển hệ thống phục hồi chức năng bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo có xúc giác của nhóm DNA MECHATRONIC đã chinh phục ban giám khảo giành giải Quán quân.
Trải nghiệm từ nhu cầu của bản thân
Sáng 28/12, vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024 do Trung tâm sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội tổ chức diễn ra với 3 vòng thi kịch tính, thú vị.
Vượt qua các đội tham gia, nhóm DNA MECHATRONIC gồm 3 thành viên Mã Bá Nghĩa, Tăng Hoàng Đức và Lê Đức Anh, sinh viên K66 của Trường Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội đã giành ngôi vô địch.
Chia sẻ về sản phẩm nghiên cứu phát triển hệ thống phục hồi chức năng bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo có xúc giác, Mã Bá Nghĩa, trưởng nhóm cho biết, ý tưởng cho dự án bắt nguồn từ định hướng nghiên cứu chuyên sâu của nhóm tại phòng thí nghiệm và từ trải nghiệm thực tế bản thân. Nghĩa từng bị tai nạn giao thông năm 11 tuổi, sau đó trải qua quá trình phục hồi chức năng cho cánh tay trái nhưng đến nay, cánh tay vẫn chưa hoàn toàn thực hiện được các động tác theo mong muốn. Cánh tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và y học để tạo nên thiết bị tiên tiến hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay thông qua công nghệ thực tế ảo.
Sản phẩm được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng vận động sau chấn thương - một lĩnh vực vốn còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Thiết bị sử dụng công nghệ thực tế ảo mô phỏng môi trường tương tác trực quan, giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động tay một cách hiệu quả và sinh động hơn. Hệ thống cảm biến tích hợp trong thiết bị có khả năng ghi lại các thông số quan trọng như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động. Những dữ liệu này sẽ được phân tích và cung cấp cho bác sĩ, giúp đánh giá tiến trình hồi phục và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Không dừng lại ở đó, sản phẩm còn tạo ra trải nghiệm thân thiện, giảm thiểu cảm giác nhàm chán và áp lực cho người sử dụng; mang lại giá trị thực tiễn cao, hứa hẹn trở thành một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ vào phục hồi chức năng, mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.
Hành trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm của đội DNA MECHATRONIC không hề dễ dàng. Nghĩa chia sẻ, đây là đề tài mới, chưa có nhiều tài liệu tham khảo, cả đội gần như phải bắt đầu từ con số 0, vừa sáng tạo vừa đảm bảo tính ứng dụng thực tế. Thời gian chuẩn bị gấp rút, chỉ vỏn vẹn 3 tháng, buộc các thành viên phải cân bằng giữa việc học, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Nghĩa không nhớ bao nhiêu ngày cả đội cùng nhau ở lại phòng thí nghiệm tới khuya để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Trong đó, không ít lần cả nhóm tranh luận đến nảy lửa, có những lúc tưởng chừng buông xuôi. Nhưng vốn là bạn thân trong lớp, lại là dân thuần kĩ thuật, cả nhóm tìm được tiếng nói chung để giải quyết bài toán hóc búa mà dự án đặt ra.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với đội là những lần chạy deadline để kịp tiến độ cuộc thi. Có thời điểm, sản phẩm tưởng chừng “toang” ngay trước hạn nộp. Nhưng nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ và một chút may mắn, cả đội đã kịp thời khắc phục. Với tính ứng dụng cao trong lĩnh vực phục hồi chức năng, sản phẩm “Cánh tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo” đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các thầy cô và doanh nghiệp.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự hào hứng và sẵn sàng "đặt gạch" trước cho sản phẩm. Không dừng lại ở cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024, đội DNA MECHATRONIC kỳ vọng sản phẩm này sẽ mở ra hướng đi mới cho công nghệ y học tại Việt Nam, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái phục hồi chức năng toàn diện “do người Việt, vì người Việt.” “Nếu có một sản phẩm công nghệ cao, giá thành hợp lý và được sản xuất bởi chính người Việt, đó chắc chắn sẽ là một bước đột phá,” nhóm chia sẻ. Với niềm đam mê và quyết tâm, DNA MECHATRONIC hi vọng sản phẩm này sẽ mang đến giải pháp tối ưu, góp phần cải thiện cuộc sống của các bệnh nhân cần phục hồi chức năng.
Vòng thi “debate” nảy lửa
Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024, mùa thứ 7 của Đại học Bách khoa Hà Nội có nhiều điểm mới.
Năm nay, các đội trong top 3 có một vòng thi tranh biện vòng tròn (Debate). 3 đội lọt top năm nay là đội SLEEP với hệ thống nhúng phân tầng phân loại các bệnh lí hô hấp triển khai trên Fpga của 4 nữ sinh đến từ Trường Điện – Điện tử; đội DNA MECHATRONIC của 3 chàng trai nói trên; đội BKMIC với sản phẩm máy xử lí cuống cà tự động của Trường Cơ khí. Do đều là dân kĩ thuật, công nghệ nên khi tranh biện với đối thủ, các đội đều tỏ rõ sự hiểu biết, thế mạnh của mình. Các câu hỏi đặt ra cho đội bạn nhiều khi còn “xoáy” hơn cả ban giám khảo.
Ví dụ đội BKMIC đặt câu hỏi: Khách hàng luôn quan tâm tới bảo mật thông tin cá nhân, vậy sản phẩm của SLEEP có đảm bảo được yếu tố này hay không khi mà các hãng mạnh về công nghệ trên thế giới hiện nay vẫn bị mất dữ liệu?
Hay như nhóm DNA đặt câu hỏi cho đội BKMIC: cắt cuống cà là công việc đơn giản, những người khuyết tật có thể làm để giúp họ có được công ăn việc làm phục vụ đời sống. Máy xử lí cuống cà của BKMIC liệu có “cướp” mất những công việc đơn giản này không?
Dù chỉ được tranh biện trong khoảng thời gian ngắn, nhưng các đội đều đặt câu hỏi, phản biện dựa trên những nguyên lí của khoa học và nhu cầu của đời sống xã hội.
PGS. TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết sau khi phát động (tháng 6), ban tổ chức nhận được 80 ý tưởng từ gần 400 sinh viên thuộc 15 trường đại học ở 3 miền tổ quốc. Vòng ý tưởng, Ban tổ chức đánh giá chọn 24 ý tưởng được đào tạo chuyên sâu để phát triển thành đề án. Vòng đề án, Ban tổ chức đánh giá chọn 11 đề án được tài trợ phát triển sản phẩm. 11 sản phẩm vào vòng chung kết để chọn ra 5 sản phẩm trao giải. Đội DNA MECHATRONIC giành giải Quán quân, đội BKMIC giành giải Á quân, đội SLEEP giành giải Ba. Hai đội giành giải khuyến khích là GREEN CHOICE và CAKESTEM. Trong đó, đội GREEN CHOICE đến từ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM).
Những dự án tiềm năng sẽ tiếp tục được đồng hành trong chương trình BK Startup Day 2025, cầu nối để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, để đưa ý tưởng từ phòng thí nghiệm ra thị trường, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.