Công nghiệp chế biến, chế tạo - Điểm sáng của nền kinh tế

Khu vực công nghiệp nói chung và ngành chế biến, chế tạo nói riêng không chỉ là nền tảng kinh tế quốc gia mà còn là sức hút mạnh mẽ đối với các dòng đầu tư, bao gồm đầu tư công, đầu tư tư cũng như đầu tư nước ngoài.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây, đóng góp vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, một quốc gia mà không có công nghiệp, không thể gọi là quốc gia mạnh. Khu vực công nghiệp nói chung và ngành chế biến chế tạo nói riêng không chỉ là nền tảng kinh tế quốc gia mà còn là sức hút mạnh mẽ đối với các dòng đầu tư, bao gồm đầu tư công, đầu tư tư cũng như đầu tư nước ngoài.

"Chúng ta thấy rằng đầu tư nước ngoài đã tạo ra những cú hích cực mạnh cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, luôn luôn xuất siêu. Thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến chế tạo luôn luôn chiếm khoảng 80-90%, hơn nữa ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm từ 78-80% giá trị tăng thêm của toàn bộ ngành công nghiệp. Những con số đầy thuyết phục cho thấy vai trò cực lớn của công nghiệp chế biến chế tạo trong việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập, tạo ra thu ngân sách, tạo tăng trưởng kinh tế và tạo ra hình ảnh một Việt Nam hùng cường".

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam hiện có nhiều nhóm ngành trong top đầu thế giới như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ...tạo ra sức hấp dẫn mới để Việt Nam định vị và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã chia sẻ về những kinh nghiệm, giải pháp đang triển khai trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp thời gian qua.

"Triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111 của Chính phủ. Trong những năm qua, chúng tôi đã phối hợp cùng với các tổ chức quốc tế để đào tạo các kỹ thuật viên về thiết kế, gia công, bao kiểm trong lĩnh vực cơ khí. Đến nay, chúng tôi cũng đã đào tạo được khoảng 150 doanh nghiệp và hơn 300 học viên tham gia. Thứ 2 là hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các doanh nghiệp về trang thiết bị máy móc cũng như việc gia công và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới. Thứ 3 là thường xuyên là tổ chức, đào tạo các khóa về tư vấn kết nối cho doanh nghiệp. Đến nay cũng đã đào tạo được khoảng hơn 135 doanh nghiệp và hơn 400 học viên. Thứ 4 là chúng tôi cũng thường xuyên là tổ chức các tư vấn cải tiến sản xuất. Và đến nay đã là tổ chức tư vấn cải tiến cho được khoảng gần 500 doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ".

Ông Cường cũng cho biết, Bộ Công Thương cũng giao cho đơn vị thường xuyên duy trì và cập nhật các hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ngành nghề gồm cơ khí, ô tô, điện điện tử, dệt may da giày và công nghệ cao. Đến nay, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu của hơn 7.000 doanh nghiệp trong các lĩnh vực này. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước có thể tìm hiểu thông tin về nhu cầu và khả năng sản xuất của nhau. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm đến với nhau nhiều hơn.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/cong-nghiep-che-bien-che-tao-diem-sang-cua-nen-kinh-te-102241025085921379.htm