Công nghiệp chế biến: Khâu then chốt để nâng giá trị nông sản

Không phải vào thời điểm này, khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương giữa Việt Nam với các thị trường xuất khẩu nông sản thì câu chuyện cải tiến công nghệ bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản mới được đặt ra. Trước đó, việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm hạn chế tình trạng 'được mùa - mất giá' được các nhà quản lý đánh giá cao và coi đây là khâu then chốt để bảo đảm giá trị dinh dưỡng, nâng giá trị gia tăng sản phẩm. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở, doanh nghiệp chế biến ít, dây chuyền công nghệ lạc hậu, thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp với người dân... nên hiệu quả chưa được như ý.

Ảnh: Vũ Sinh.

Công nghệ lạc hậu, giá trị chế biến thấp

Theo Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2013 - 2019, công nghiệp chế biến nông sản nước ta đã có bước phát triển đáng kể cả về quy mô và mức độ hiện đại so với giai đoạn 2007 - 2012, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân khoảng 5 - 7%/năm. Số liệu thu thập sơ bộ từ các địa phương cho thấy, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có doanh nghiệp chế biến đối với ngành hàng nông lâm thủy sản chính của địa phương. Cụ thể, tỉnh ít nhất cũng có 2 ngành hàng chế biến, có địa phương có tới 10 - 11 ngành hàng chế biến. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến như: Lộc Trời, Lương thực sông Hậu, Vinamilk, TH True milk, Vineco, Masan,... tạo những thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thừa nhận: “Trình độ công nghệ chế biến ở nước ta hiện nay ở mức trung bình của thế giới”. Số cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95%. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (chỉ bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác).

Nhiều dây chuyền của các cơ sở chế biến có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn). Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10 - 20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu (rau, quả, sắn đáp ứng được 20 - 30%; cà phê, tiêu, điều, chè là 10 - 15%; thủy sản đánh bắt 15 - 20%; lúa gạo 5 - 7%)... Thêm vào đó, khâu bảo quản sau thu hoạch nông sản đóng vai trò rất quan trọng, song công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu nên các sản phẩm chế biến tinh chưa được khai thác hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra số liệu: Nông nghiệp Việt Nam hiện có một số ngành có tỷ lệ chế biến ở mức thấp như rau, quả (khoảng 10%), chè (khoảng 40%). Ngành gỗ và thủy sản có công suất chế biến ở mức cao, nhưng cũng chỉ đạt 65 - 78%. Riêng ngành rau quả, 90% sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng tươi, và lượng tiêu thụ rau quả trong nước dưới dạng tươi cũng chiếm hơn 70%. Đa phần doanh nghiệp trong nước không có đủ vốn để đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất. Số lượng vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được công nghiệp chế biến tập trung không nhiều.

Ở miền Bắc chỉ có vài vùng như dứa Đồng Giao (Ninh Bình), dứa Lào Cai với tổng diện tích cả hai vùng khoảng 5.000ha, cho sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm, trong đó có tới 50% sản lượng được tiêu thụ tươi ở trong nước và 50% là nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) có sản lượng tương đối cao, nhưng thời gian thu hoạch và chế biến chỉ trong vòng 1,5 tháng. Các vùng trồng loại quả đặc sản như cam ở Hà Giang, Hàm Yên (Tuyên Quang)... chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tươi ở trong nước.

Những hạn chế nói trên đã góp phần dẫn đến tình trạng “được mùa - mất giá” đối với nhiều loại nông sản, khiến cho người nông dân rơi vào cảnh lao đao. Đó cũng là lý do khiến cụm từ “giải cứu nông sản” dần trở nên quen thuộc mỗi khi bước vào chính vụ loại nông sản nào đó trong vài năm gần đây.

Xây dựng chuỗi liên kết, tăng giá trị sản phẩm

Câu chuyện “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực cho ra đời bánh mì thanh long hay Công ty TNHH Thực phẩm Duy Anh (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất bún, bánh tráng từ thanh long... nhằm “giải cứu thanh long” là những ví dụ cụ thể cho thấy cải tiến công nghệ chế biến chính là khâu then chốt nhằm nâng cao giá trị của nông sản.

Tiếp đó là câu chuyện về nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (INAPRO) phát triển công nghệ JEVA giúp doanh nghiệp chế biến các loại hoa quả tươi thành sản phẩm nước quả cô đặc, giúp trái cây tươi vốn không bảo quản được lâu nay trở thành mặt hàng có hạn sử dụng lâu dài, tiện dụng hằng ngày... Hay thịt lợn sạch MeatDeli được xử lý và đóng gói khép kín bằng công nghệ của châu Âu giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, giúp thịt tươi ngon suốt 9 ngày... Những điều đó cho thấy một thực tế, nếu người dân có thể liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ để chế biến nông sản sau thu hoạch thì có lẽ nông sản không phải đổ bỏ như đã thấy trong thời gian qua.

Câu chuyện nói trên còn thể hiện một điều, là nhiều năm qua đa số nông dân vẫn còn đơn độc trong sản xuất. Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai), là do các nhà khoa học hiện đang phải “tự bơi” để tìm cách đưa những ứng dụng của mình kết nối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa “mặn mà” với ứng dụng mới do tính rủi ro cao, đầu tư lớn mà lâu thu hồi vốn, còn nông dân thì bị hạn chế về thông tin và không có đủ kinh phí...

Để khắc phục những hạn chế nói trên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giải pháp đầu tiên là chúng ta cần đẩy mạnh cơ giới hóa theo chuỗi giá trị và tập trung vào những sản phẩm chủ lực theo ba cấp sản phẩm; dồn điền, đổi thửa; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Tiếp đó, cần chú trọng phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có điều kiện tốt về sản lượng nông sản, giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực như: Cụm liên kết vùng trồng lúa gắn với cơ sở xay xát, bảo quản tại vùng Đồng bằng sông Hồng; cụm liên kết vùng nuôi thủy sản nước lợ gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh ven biển; cụm liên kết vùng trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở chế biến rau, quả xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc Bộ...

Điều quan trọng nhất là đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản...

Nông sản Việt Nam nếu không giải quyết được nút thắt về công nghiệp chế biến và cơ giới hóa để sản xuất quy mô lớn thì giấc mơ nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẽ khó thành hiện thực.

Hoàng Lan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/964544/cong-nghiep-che-bien-khau-then-chot-de-nang-gia-tri-nong-san