Công nghiệp công nghệ cao, thích ứng để phát triển
Muốn giữ chân khách hàng truyền thống, mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) cần bắt kịp xu thế mới, đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ. Bình Dương đã và đang thực hiện chiến lược phát triển thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo; trong đó, định hướng phát triển trọng tâm là ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0, điều hành thông minh và phát triển bền vững.
Nhiều thiết bị, máy móc công nghệ tự động hóa hiện đại của các thương hiệu trong và ngoài nước được giới thiệu tại Triển lãm VIMF 2024
Công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng
Năm 2024, Bình Dương nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7%. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công thương đang tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giúp DN khôi phục sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
5 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu. Nhiều DN đang đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng trở lại. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng cao, do đó các DN phải tuyển dụng số lượng lớn lao động. Đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Võ Xuân Thuyên, Giám đốc điều hành Tập đoàn Trần Đức, chuyên sản xuất và xuất khẩu gỗ nội thất tại Bình Dương, cho biết phân khúc đồ nội thất xuất đi Mỹ và châu Âu của công ty đã kín đơn hàng đến hết tháng 9, một số thị trường khác công ty cũng có đơn hàng thực hiện đến cuối năm 2024.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 ước tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% so với cùng kỳ. Hiện nhiều DN tăng tốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa, dần phục hồi và tăng trưởng. Hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc đã tạo ra những tín hiệu lạc quan và nhiều khí thế cho kinh tế Bình Dương.
Theo ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều chính sách đa dạng như tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hạ tầng, đào tạo nhân lực và kết nối giao t h ư ơ n g , đặc biệt thông qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành nhằm giúp các DN dễ dàng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới nhất. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường.
Đẩy mạnh tự động hóa công nghiệp
Thời gian gần đây, việc có thêm một số dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh… tiếp tục minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Bình Dương trong hoạt động thu hút đầu tư FDI. Sau khi những dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo sức lan tỏa, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác đầu tư vào tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam, cho rằng áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật là con đường duy nhất giúp Bình Dương cải tiến và tăng năng suất lao động, bù lại sự gia tăng về chi phí nhân công cho nhà đầu tư. Để làm được điều đó, Bình Dương cần nhanh chóng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để thu hút các nhà đầu tư vào những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
Theo Sở Công thương, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên đẩy mạnh tự động hóa các ngành công nghiệp sản xuất, từ đó không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn giảm thiểu chi phí sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Bình Dương đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động đón dòng vốn FDI hướng đến phát triển bền vững. Trong những năm tiếp theo, tỉnh tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển gắn với 4 động lực tăng trưởng nền kinh tế, gồm: Phát huy tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới; phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương lấy DN làm trung tâm cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực theo xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin và cơ khí tự động hóa. Để làm được điều này, tỉnh đang thực hiện nhiều chiến lược và giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các DN trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý.
“Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, ứng dụng rộng rãi các giải pháp tự động hóa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương”, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2020-2025, Bình Dương đã đặt ra những mục tiêu trong thu hút FDI nhằm giữ vững lợi thế đã có của mình. Theo đó, tỉnh phấn đấu thu hút vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ. Thu hút FDI của tỉnh sẽ hướng tới chọn những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao. Bình Dương xác định công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh ở những năm tới.