Công nghiệp hóa nông nghiệp hay hóa công nghiệp từ nông nghiệp?
Sau nhiều năm đổi mới, chúng ta có nhiều sân bay, nhiều cảng biển, nhiều công trình công nghiệp, nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, nhiều khu đô thị mới. Kinh tế đi lên và mọi người có vẻ đều hân hoan hưởng thụ. Ấy thế nhưng, dân ta vẫn là cỡ 70% ở nông thôn và là nông dân. Có điều là đất nông nghiệp đã đổi và ít đi, nhiều nơi cơ cấu sản xuất đã thay đổi.
Sau Bao cấp, những năm 1980s, 1990s, hẳn chúng ta còn nhớ, nhà nhà chăn nuôi, chung cư cũng chăn nuôi, từ gia cầm tới gia súc. Rồi đến các tỉnh đua nhau làm xưởng Phồng tôm, mỳ chính. Tỉnh nào cũng xây lò bánh mỳ, tiến tới các nhà máy bia khắp nơi.
Kinh tế khấm khá dần, những năm đầu thế kỷ mới thế kỷ thứ 21, nhằm đáp ứng phát triển, các nhà máy xi măng mọc lên trên khắp các tỉnh. Các sân bay, cảng biển được chỉnh trang và xây mới cũng ở các tỉnh. Để kêu gọi đầu tư, các tỉnh cũng lập nên các khu công nghiệp, dọn những cánh đồng lúa, những mặt bằng làm khu công nghiệp.
Kinh tế khá thêm nữa, không chỉ các tỉnh, mà từ mọi thành thị tới nông thôn, đất đai được quy hoạch làm khu đô thị mới, phân lô san nền trên đất nông nghiệp. Nhà cửa, cao ốc mọc lên san sát, một sự thay đổi thần kỳ mà cũng lạ kỳ!
Khi đi học, học sinh được dạy rằng, Việt nam có 70% dân số ở nông thôn và 30% thành thị (con số thay đổi 5% sau tổng điều tra 2010). Nghĩa là dân ta vẫn là nông dân là chính. Thời chiến tranh, bài hát “Người đi xây hồ Kẻ gỗ” có câu chắc ít người ngày nay hiểu “Ta đi những bước thênh thang đồng rộng. Làng ta di động thêm có đất mình cày”. Để tăng cường lương thực hậu phương gửi ra tiền tuyến, làng di chuyển lên núi nhường đất bằng ven sông làm ruộng.
Sau nhiều năm đổi mới, chúng ta có nhiều sân bay, nhiều cảng biển, nhiều công trình công nghiệp, nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, nhiều khu đô thị mới. Kinh tế đi lên và mọi người có vẻ đều hân hoan hưởng thụ. Ấy thế nhưng, dân ta vẫn là cỡ 70% ở nông thôn và là nông dân. Có điều là đất nông nghiệp đã đổi và ít đi, nhiều nơi cơ cấu sản xuất đã thay đổi.
Vậy, chúng ta đang phát triển và tăng tỷ trọng Công nghiệp hóa đất nước, chiếm thị phần và chuyển dịch Nông nghiệp cho Công nghiệp, hay chúng ta Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nông nghiệp, giữ nguyên phần Nông nghiệp nhưng tăng tỷ trọng GDP bởi nông nghiệp?
Nông dân không thể một chốc thành nhà đầu tư kinh tế, không bỗng một chốc biến thành doanh nhân. Các dự án công nghiệp thu hồi đất đai của họ, đền bù cho họ một cục tiền, đa số họ sẽ chi vào tiêu dùng như nhà cửa, xe cộ và chỉ vài năm, tiền hết, đất đã hết. Người còn, nhưng vô công rồi nghề.
Cái cảm giác Công nghiệp mang lại hay ho cho đất nước, không hẳn đúng khi lấn át và giảm cực đoan nông nghiệp để làm công nghiệp. Việc duy trì nông nghiệp nhưng hiện đại hóa, công nghiệp hóa Nông nghiệp có lẽ quan trọng bậc nhất. Nhất là sau hai sự vụ: Đại dịch Covid19 khiến các nước coi trọng, nhìn nhận về an ninh lương thực; Vụ thứ hai là cuộc chiến Nga và Ukraina, an ninh lương thực đã làm tất cả các nước công nghiệp phải lo lắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi tiếp Đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp các nước dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững ngày 24/04/2023 đã có phát biểu:
“Vượt qua những khó khăn, thách thức qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, sau hơn 35 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế từ 4 tỷ USD lên 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người từ 160 USD lên trên 4.100 USD. Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường, Việt Nam ưu tiên và đang tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có bảo đảm cân đối lương thực, thực phẩm và có xuất khẩu.
Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; việc đảm bảo an ninh lương thực là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người.
Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD, tiếp cận đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.”
Nhưng ta có thể thấy, làm nông nghiệp quan trọng nhất không phải là Công nghệ, Công nghiệp, Giống, Mô hình… mà trước hết phải có đất, đất sản xuất cũng như nhân lực thực hiện sản xuất.
Đất, như trên nêu, ruộng vườn được thu hồi làm khu công nghiệp, khu đô thị. Nhân lực nông thôn, hàng vạn thanh niên, lực lượng cho tương lai trở thành công nhân trong các nhà máy công nghiệp nước ngoài. Con em nông dân nếu không làm công nhân, được học đại học nhưng chưa xin được việc, đóng góp vào lực lượng xe công nghệ cũng tính bằng hàng vạn người.
Chúng ta thấy một số công ty công nghệ, xe cộ, nhất là về CNTT, có sản xuất, có xuất khẩu và có doanh số rất lớn, thu hút lao động nhiều, nhưng đóng góp cho GDP là bao nhiều? Trong bao lâu? Đa số là gia công, làm thuê cho việc phát triển sản phẩm của nước ngoài, không có nhiều giá trị cốt lõi của người Việt, chưa thực sự có bản quyền, chất xám thực thụ, chỉ là một cách kiếm tiền tốt hơn về đất nước chứ không hẳn đã tạo dựng năng lực Công nghiệp cho đất nước.
Kêu gọi đầu tư, đa số là công nghiệp, các nhà máy thu hút nhân lực lao động làm thuê, rất hiếm các dự án đầu tư hiện đại hóa Nông nghiệp, phát triển các ngành nông nghiệp, chúng ta háo hức, vui mừng khi có những tỷ đô đầu tư để làm thuê, bỏ bê đồng ruộng, Nông nghiệp tự phát triển, tự lo trang bị và thậm chí tự phát minh sáng chế thiết bị, cây, con giống. Công nhân đi làm thuê cho nhà máy, 20 – 30 năm sau họ vẫn là công nhân. Nếu được đầu tư, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân sẽ là người chủ sản xuất, được đầu tư, được học hành, làm chủ!
Vậy, chúng ta nên Công nghiệp hóa đất nước, lấn Nông nghiệp để làm Công nghiệp hay Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa Nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp sẵn có ngàn năm thì hơn?
Jan 2024 - ĐVP