Công nghiệp ôtô: Nội địa hóa không còn là 'giấc mơ'
Sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng tăng, điều này đã tạo cơ hội cho các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước tham gia chuỗi cung ứng.
Sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng tăng trong những năm gần đây, điều này đã tạo cơ hội cho các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước tham gia chuỗi cung ứng, đồng thời cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy các hãng xe đã khá tự tin về câu chuyện nội địa hóa sản phẩm tại thị trường Việt. Giờ đây, nội địa hóa không chỉ còn là “giấc mơ” đối với ngành công nghiệp ôtô.
Nội địa hóa là bước đi đúng đắn
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm (năm 1991), muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bao gồm cả loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã tăng thấy rõ. Nếu như năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe thì đến năm 2022, con số này đã 439.600 xe.
Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ôtô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa được cảithiện trong thời gian qua.
Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu với những bước đi tiên phong trong việc nội địa hóa ôtô phải kể đến Toyota Việt Nam. Cuối năm 2022, Toyota đưa thêm 2 mẫu xe vào sản xuất, lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu nguyên chiếc. Hiện, Toyota Việt Nam đã có tổng cộng 5 mẫu xe lắp ráp tại nhà máy Vĩnh Phúc gồm: Vios, Innova, Fortuner (máy dầu), Veloz Cross và Avanza Premio.
Theo các chuyên gia, nội địa hóa là bước đi đúng đắn, cho phép các hãng xe tận dụng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, giao đến tay người tiêu dùng những dòng xe giá tốt, thiết kế bắt mắt, trang bị hấp dẫn. Trường hợp của Toyota với dòng sản phẩm chiến lược năm 2022 như Veloz Cross và Avanza Premio là một ví dụ điển hình.
Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ nội địa bứt phá
Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đánh giá, hoạt động đầu tư mở rộng và đầu tư mới của nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam đang góp phần gia tăng số mẫu mã xe sản xuất, lắp ráp trong nước, mở ra cơ hội lớn hơn cho ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa bứt phá về cả số lượng và chất lượng thông qua tham gia từng bước vào chuỗi cung ứng.
Tại Việt Nam, các hãng xe đã và đang không ngừng nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, trong đó, Toyota Việt Nam là ví dụ điển hình. Trong nhiều năm qua, hãng đã nỗ lực phát triển sản xuất trong nước bằng việc triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp với Dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ôtô.
Dự án được triển khai với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, tăng cường liên kết với các nhà sản xuất lắp ráp ôtô, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ôtô tại Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Sáng - Trưởng Ban Kỹ thuật mua hàng (Toyota Việt Nam) - cho biết, ngoài việc hỗ trợ các nhà cung cấp trong hệ thống của Toyota thì từ năm 2022, Toyota phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) triển khai hoạt động hỗ trợ cho các nhà cung cấp nằm ngoài hệ thống nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp này. Đây như một bước chuẩn bị cho việc mở rộng mạng lưới nhà cung cấp trong tương lai và cũng là cơ hội tốt để Toyota tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng.
“Năm 2022, chúng tôi đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất là Công ty Kim Sen, Công ty Cao su 75, Công ty Nhật Minh và Công ty Osaka. Các nhà cung cấp này đã ghi nhận được những kết quả rất khả quan như: Giảm diện tích nhà máy và tồn kho, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động... Bên cạnh đó, chúng tôi đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp và lựa chọn thêm 7 nhà cung cấp tiềm năng” - ông Sáng cho hay.
Triển lãm Quốc tế về lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo - Vimexpo 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15 - 17/11/2023 tại Hà Nội. Toyota sẽ tham gia triển
lãm với gian trưng bày mô hình mẫu xe Veloz Cross được lắp ráp trong nước và khu vực riêng để kết nối doanh nghiệp tiềm năng.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết thêm, chương trình hỗ trợ năm 2023 có một số điểm mới: “Toyota hợp tác với các doanh nghiệp đã được Toyota hỗ trợ trước đó trong vai trò như một doanh nghiệp nòng cốt để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong các năm tiếp theo. Ngoài các công ty được lựa chọn chính thức, năm 2023 Toyota Việt Nam cũng lựa chọn thêm một số công ty với vai trò quan sát viên tham gia vào các lớp đào tạo và quan sát quá trình tư vấn của các chuyên gia Toyota, qua đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ khi được lựa chọn là công ty nhận hỗ trợ chính thức trong năm tới”.
Chưa dừng lại ở đó, bên cạnh việc hợp tác với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, năm 2023, Toyota còn ký kết Biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhằm mở rộng dự án này.
Ông Phạm Minh Thắng - Phó Chủ tịch, Trưởng ban Đào tạo và Tư vấn của VASI - đánh giá, các hoạt động được hỗ trợ bởi Toyota Việt Nam là rất quan trọng và thực chất về việc tăng cường năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị hoạt động sản xuất, tối ưu hóa vận hành cho các doanh nghiệp hội viên của VASI.
“Thực hiện các nguyên lý và phương thức do các chuyên gia của Toyota hỗ trợ giúp doanh nghiệp tham gia vào chương trình có thể cải tiến mạnh mẽ về các hoạt động thực tiễn, kết quả về hiệu suất. Cùng với đó, quá trình làm việc với các chuyên gia của Toyota Việt Nam giúp nhân sự quản lý, nhân sự kỹ thuật của các DN này học được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về cải tiến sau này” - ông Thắng khẳng định.
Từ thực tế, bà Nguyễn Thị Nhạn - Tổng Giám đốc Công ty CP Innotek - chia sẻ, trước khi có sự hỗ trợ và cải tiến của Toyota, Innotek đã gặp phải một số vấn đề về diện tích tồn kho nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm; sản xuất dư thừa hơn tiêu chuẩn dẫn đến tồn kho cao; tỷ lệ sử dụng ít và tồn kho nhiều. Hơn hết là dòng chảy sản phẩm không hợp lý gây lãng phí di chuyển, dừng ngắt trong ca và giảm năng suất lao động.
Tuy nhiên, kể từ khi đượcToyota Việt Nam hỗ trợ đến nay, những vấn đề còn tồn tại của Innotek đã được cải thiện rõ rệt, “chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là nhận thức từ phương pháp quản trị sản xuất, cách thúc đẩy phong trào 5S và kaizen trong doanh nghiệp” - bà Nhạn chia sẻ.