Công nghiệp tăng trưởng khá giữa bối cảnh dịch bệnh
Kinh tế của tỉnh Đắk Lắk trong những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đây là dấu hiệu để các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, ổn định thị trường và lấy đà tăng trưởng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá
Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk thông tin, hai tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tăng 20,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp sản xuất, chế biến.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 38,16%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,36%. Một số ngành đã có sự phục hồi nhanh chóng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng đáng kể khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Có thể kể đến như nhóm sản xuất cà phê tăng 23,72%, nước tinh khiết tăng 58,07%, sản xuất quần áo tăng 128,99%, vỏ bào dăm gỗ tăng 88,68%. Kết quả này có được từ việc DN chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả cộng với chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ như chính sách miễn, giảm thuế, cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ cho DN..., nhờ đó đã tạo ra nhiều tác động tích cực.
Ông Nguyễn Văn Phan - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Đắc Hải (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, những tháng đầu năm 2022, nhờ việc thích ứng linh hoạt, chú trọng an toàn trong sản xuất nên hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị tăng trưởng 20%. Sức tiêu thụ trên thị trường đang chuyển biến tích cực, trước những diễn biến khó khăn do dịch bệnh, công ty vẫn có đơn hàng, giữ chân khách hàng truyền thống, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phân tích, hai tháng đầu năm 2022, chỉ số ngành sản xuất cà phê tăng 23,72% có nguyên nhân do chế biến cà phê nhân tăng 20% về lượng, giá cũng tăng hơn 20% so với trước. Ngành chế biến cà phê thể hiện rõ xu hướng phục hồi, sản phẩm tiếp tục được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Trên đà đó, các DN mở rộng sản xuất, đẩy mạnh khai thác thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp sau Tết Nguyên đán.
Theo nhiều DN, khi bài toán về lưu thông hàng hóa, nguồn nhân công, sản xuất an toàn cơ bản được giải quyết là điều kiện thuận lợi tạo động lực cho tăng trưởng. Từ đó, DN tranh thủ cơ hội để phát triển, bứt phá, bù đắp sự trầm lắng của thị trường trong thời gian dài trước đó. Thống kê cho thấy, lũy kế hai tháng của năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 104,11% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn chưa hết khó vì “bão giá”
Dù hoạt động công nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk có nhiều lạc quan, tuy nhiên, kết quả trên cũng chỉ mới là bước đầu của quá trình phục hồi. Hiện nay, khó khăn, thách thức vẫn còn, DN phải đối mặt vì giá nguyên vật liệu đầu vào, vận tải tăng vọt. Lúc này, DN đang “cân não” giải bài toán chi phí.
Thống kê tháng 2, hầu hết giá cả nguyên vật liệu đầu vào sản xuất đều tăng. Cụ thể, chỉ số giá nguyên liệu, vật liệu chủ yếu dùng cho ngành sản xuất tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 20,18%; sản phẩm từ khai khoáng tăng 3,69%, nguyên vật liệu khác tăng 17,4%; nhiên liệu xăng dầu tăng 43,49%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 10,01%...
Ông Nguyễn Văn Phan cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất tăng từ giữa năm 2021 đến nay, tính ra tổng cộng hơn gấp đôi so với trước, chi phí vận chuyển cũng tăng theo. Công ty chỉ dám tăng giá bán ở mức nhẹ để cạnh tranh và giữ chân khách hàng.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Mạnh - Giám đốc Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Mỹ Việt (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, thời gian qua, 100 lao động trong nhà máy duy trì việc làm thường xuyên và phát huy tối đa công suất để kịp đáp ứng các đơn hàng cho xuất khẩu và nội địa, đưa sản xuất đạt mức tăng trưởng 5 - 10%. Dấu hiệu phục hồi vừa mở ra thì hiện tại, các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, vận tải đã báo mức tăng giá 15%. Đơn vị buộc phải thương lượng với đối tác tăng giá bán ra dù biết rằng việc làm này sẽ khiến sức tiêu thụ chậm lại, số lượng mỗi đơn hàng sẽ ít đi nhưng DN vẫn buộc phải làm.
Nhiều DN cho biết, họ vẫn đang nỗ lực gồng gánh các chi phí sản xuất, tiếp tục ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và xoay xở để kiến tạo lại hoạt động sản xuất, chủ động đi vào trọng tâm các hoạt động phục hồi kinh doanh. Một trong những giải pháp đưa ra là bảo toàn lực lượng lao động, tiếp tục bảo đảm các điều kiện, thu nhập để người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị. Mặt khác, DN chủ động nghiên cứu, cải tiến sản xuất, cân nhắc biến động giá bán trong phạm vi chấp nhập được để giữ chân khách hàng.
Thời điểm này, các DN đang cố gắng cân đối sản xuất nhưng vẫn đứng trước nguy cơ rủi ro nếu nguyên vật liệu, giá cả hàng hóa đầu vào, chi phí logistic tăng cao và chưa có điểm dừng. Do đó, DN cần sự hỗ trợ bằng những giải pháp sát sườn như tiếp tục giảm thuế, hỗ trợ vay vốn, kéo dài thời gian nộp thuế, có chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho DN, giảm tiền điện, nước...
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk “Sở Công thương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi và chủ động tham mưu các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN để phục hồi, phát triển kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Cùng với thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, Sở tạo điều kiện, khuyến khích DN phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường”.