Công nghiệp văn hóa: Không thể thiếu 'cánh tay' tư nhân

Đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM phải dựa trên sự kết hợp giữa nguồn lực của Nhà nước và xã hội, đặc biệt là từ khối tư nhân, nhằm đưa văn hóa thực sự trở thành một ngành công nghiệp đúng nghĩa.

Nghệ sĩ, ThS. Mai Thanh Sơn

Nghệ sĩ, ThS. Mai Thanh Sơn

Còn nhiều rào cản…

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản khiến chưa thể “bứt tốc”. Đầu tiên, từ góc độ tổ chức sự kiện văn hóa, một trong những khó khăn lớn nhất là về chính sách. Các nhà sản xuất trong ngành này đối diện với tỷ lệ thua lỗ cao hơn các ngành khác, do nhiều yếu tố, trong đó việc xin phép tổ chức, mặc dù cần thiết để Nhà nước quản lý tốt các sự kiện, nhưng đôi khi lại hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, mức hưởng thụ sản phẩm văn hóa ở ta còn hạn chế. Các chương trình nghệ thuật hàn lâm thường vắng bóng khán giả. Ta chưa thể như London, Anh khi mà một nhà hát 5.000 chỗ thường xuyên sáng đèn, khán giả đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật hàn lâm lúc nào cũng kín chỗ. Để phát triển đồng đều các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa vẫn còn rất khó khi lượng lớn khán giả đang tập trung vào một số môn nghệ thuật đại chúng. Ta cũng chưa đánh giá, khảo sát sâu về chất lượng, sự quan tâm và nhu cầu của công chúng, các bên liên quan tới sự kiện văn hóa. Đôi khi hoạt động văn hóa còn mang hơi hướng phong trào, truyền thông quá mức mà chưa thực sự chú trọng về chất lượng.

Một lý do quan trọng, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và tổ chức kinh tế tư nhân là bệ đỡ kiến tạo cho những sản phẩm văn hóa được thăng hoa, song hiện nay vai trò của họ ở lĩnh vực này chưa rõ nét. DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này vì chính sách chưa hấp dẫn, chưa tạo đủ động lực để họ tham gia.

Đẩy mạnh sự tham gia của tư nhân…

Tại một số thành phố phát triển nền công nghiệp văn hóa, ví dụ Edinburgh, Scotland - Thành phố của lễ hội. Edinburgh có khoảng 7 lễ hội lớn trong năm, lễ hội dài nhất diễn ra trong ba tuần. Trong thời điểm đó, có khoảng hơn 3.000 sô diễn đa dạng hình thức tổ chức, đơn vị tổ chức, điều đáng nói là có sự tham gia đông đảo của khối tư nhân. Tại đây, mô hình Edinburgh Festival Fringe được triển khai từ năm 1947, nhiều nhà tổ chức tư nhân độc lập đã cùng nhau tạo ra nền tảng cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng, tách biệt khỏi sự can thiệp của chính quyền. Các tổ chức tư nhân này tập trung vào việc kết nối nghệ sĩ với đa dạng không gian biểu diễn như bãi đất trống, trường học đang nghỉ hè hoặc các địa điểm có sẵn. Nghệ sĩ, các đơn vị tư nhân nào có ý tưởng tốt, có hoạt động hay đều có thể tham gia. Hay mô hình tổ chức Creative Scotland - cơ quan không thuộc chính phủ nhưng nhận nguồn ngân sách từ chính phủ và chịu trách nhiệm hỗ trợ, phát triển các ngành sáng tạo và văn hóa tại Scotland. Creative Scotland giúp định hình chính sách, chiến lược phát triển văn hóa, kết nối cộng đồng với nghệ thuật, tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa, thậm chí chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa, đưa nghệ sĩ Scotland ra thế giới biểu diễn.

Từ câu chuyện này, TP.HCM cần thay đổi cách vận hành, quản lý các hoạt động văn hóa. TP.HCM có thể áp dụng mô hình Fringe theo phương thức thí điểm, quy mô nhỏ, phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố. Lâu nay Nhà nước chi tiền cho văn hóa phục vụ các mục tiêu của Nhà nước thông qua các tổ chức, các công cụ thuộc về Nhà nước. Nhưng xu hướng mới, cần cân nhắc chuyển dịch dần sang các tổ chức tư nhân tham gia lĩnh vực văn hóa để thực hiện một số công việc của Nhà nước, chứ không chỉ Nhà nước đứng ra làm.

Mô hình vận hành đột phá như Creative Scotland có thể được nghĩ tới. Khi đó, lãnh đạo TP.HCM giữ vai trò định hướng chiến lược, có thể cung cấp nguồn vốn mồi cho các hoạt động phát triển văn hóa, sau đó đặt đề bài. Các đơn vị tư nhân có nhu cầu và khả năng sẽ tham gia. Thành phố sẽ chỉ cần kiểm tra kết quả. Hiện nay, có thể nói, nhiều đơn vị tư nhân có tiềm lực lớn cả về vật chất lẫn con người. Đội ngũ nhân lực của họ am hiểu văn hóa, khả năng sáng tạo và quan trọng là làm việc với tốc độ nhanh để đuổi kịp sự thay đổi không ngừng.

… Nhiều giải pháp đồng bộ

Trong thời gian xem xét các mô hình mới, đột phá vận hành bởi khối tư nhân như vừa đề cập, thì Thành phố có thể thúc đẩy nhanh hơn sự ra đời của mô hình Trung tâm phát triển Công nghiệp Văn hóa TP.HCM. Đây sẽ là trung tâm kết nối, gắn kết thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM. Kỳ vọng sẽ có cơ chế đặc thù để định hướng, hỗ trợ hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mang tính đầu tàu, dẫn dắt.

TP.HCM cần khảo sát, đánh giá một cách khoa học sản phẩm văn hóa phục vụ đối tượng nào. Tại một số nước, hằng năm họ thực hiện những khảo sát với đa dạng đối tượng, từ chính quyền, người tham gia, đơn vị tổ chức, thậm chí cả những người không tham gia hoạt động văn hóa. Nắm bắt được điều này mới xây dựng được kế hoạch thực hiện phù hợp làm định hướng ngược lại cho các đơn vị tư nhân, có kế hoạch đầu tư xứng đáng cho họ.

Khi muốn văn hóa trở thành ngành công nghiệp thì phải đẩy mạnh sự tham gia của tư nhân. Muốn thế, DN phải có lợi nhuận, có thể là mức lợi nhuận thấp hơn việc đầu tư vào các ngành sản xuất khác, nhưng ít nhất là phải đủ để duy trì hoạt động và thu hồi vốn. Khoanh vùng các loại hình cần thúc đẩy thì sẽ có những chính sách về thuế, phí, hỗ trợ về địa điểm cho DN hấp dẫn hơn. Hỗ trợ các DN đầu tư vào các lĩnh vực tốn nhiều chi phí như điện ảnh có cơ hội được vay vốn ưu đãi. Hỗ trợ các lĩnh vực đặc trưng, mang đậm bản sắc địa phương được phát triển ưu tiên. Cuối cùng, cần có cơ chế chia sẻ nguồn lợi trong hoạt động văn hóa một cách minh bạch, hợp lý giữa các bên liên quan…

Theo chỉ tiêu đặt ra, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP.HCM. Đến năm 2030 là khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7-8% GRDP.

(*) Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM

Khánh Hưng (ghi)

ThS. Mai Thanh Sơn (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/cong-nghiep-van-hoa-khong-the-thieu-canh-tay-tu-nhan-313295.html