Công nghiệp, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc nửa đầu năm 2025
Công nghiệp và xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ nửa đầu 2025, với nhiều chỉ số tăng cao.
Sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc
Trong nửa đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp của Việt Nam duy trì được đà phục hồi tích cực bất chấp một số biến động bất lợi từ môi trường quốc tế. Những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại thế giới khiến đơn hàng xuất khẩu mới sụt giảm đáng kể, thể hiện rõ qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm dưới mức 50 điểm trong ba tháng liên tiếp của quý II.
Tuy nhiên, nhờ nền tảng sản xuất ổn định và sức bật từ các ngành chế biến, chế tạo, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành vẫn giữ vững đà tăng trưởng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành vẫn giữ vững đà tăng trưởng. Ảnh minh họa
Cụ thể, chỉ số IIP tháng 6 tăng 4,13% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng, chỉ số IIP tăng 9,23%, cao hơn mức tăng 8,0% của cùng kỳ năm trước.
Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chủ lực với mức tăng 11,11%, đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Một số ngành ghi nhận mức tăng trưởng mạnh bao gồm: sản xuất xe có động cơ tăng 31,5%; da và sản phẩm liên quan tăng 17,1%; sản phẩm từ cao su và nhựa tăng 17%; trang phục tăng 15,1%; phương tiện vận tải khác tăng 14,1%; sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 9,8%.
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng sản lượng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái như ô tô tăng 70,2%, tivi tăng 21,9%, phân NPK tăng 18,9%, LPG tăng 16,9%, quần áo thường tăng 14,9%, xi măng tăng 14,8%, giày dép da tăng 14,3% và thép các loại tăng 13,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 9,8%, phản ánh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho cũng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng đơn hàng phục hồi trong thời gian tới. Tỷ lệ tồn kho bình quân đạt 85,7%, tăng so với mức 76,9% cùng kỳ 2024.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng, với 62/63 địa phương có chỉ số IIP tăng trưởng. Ngoại lệ duy nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Một số địa phương ghi nhận mức tăng cao nhờ sự bứt phá của ngành chế biến, chế tạo và ngành sản xuất - phân phối điện.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%, vượt kế hoạch đề ra. Khu vực kinh tế trong nước đạt 58,28 tỷ USD (tăng 9,4%), khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 161,55 tỷ USD (tăng 16,4%).
Có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng vượt 5 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với 187 tỷ USD, tương đương 85% tổng kim ngạch. Nông, thủy sản đạt 21,3 tỷ USD (chiếm 9,7%), trong khi nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,29 tỷ USD (chiếm 0,6%).
Nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực FDI đạt 139,38 tỷ USD, tăng 22,3%. Nhóm hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng chiếm 89,2%, còn nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chiếm 5,3%.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD, tăng 28,2%, xuất siêu đạt 62 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với 29,1 tỷ USD (tăng 4,2%), tiếp theo là EU với 27,3 tỷ USD (tăng 10%), Hàn Quốc 13,7 tỷ USD (tăng 11,9%) và Nhật Bản 12,8 tỷ USD (tăng 11,8%).
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 84,7 tỷ USD (tăng 26,4%), nhập siêu lên tới 55,6 tỷ USD. Các thị trường lớn khác gồm Hàn Quốc (28,3 tỷ USD), ASEAN (26,5 tỷ USD), Nhật Bản (11,6 tỷ USD), Hoa Kỳ (8,8 tỷ USD) và EU (8,3 tỷ USD).
Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm đạt mức xuất siêu 7,63 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (12,15 tỷ USD). Trong đó, khu vực FDI xuất siêu 22,17 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,54 tỷ USD.
Nguồn cung ổn định, thị trường trong nước duy trì đà tăng
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định, thị trường trong nước 6 tháng đầu năm 2025 vẫn giữ được sự ổn định tương đối. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, giá cả không có biến động lớn. Giai đoạn cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị hàng hóa được các địa phương và doanh nghiệp triển khai tốt, thời tiết thuận lợi giúp nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nhất là các nhóm rau, củ, quả.
Giá thịt lợn trong quý I có thời điểm tăng cao so với cùng kỳ, song nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, giá cả đã ổn định trở lại từ cuối tháng 3. Dịp nghỉ lễ dài ngày như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5 đã thúc đẩy sức mua trong nước, nhất là ở nhóm hàng dịch vụ và du lịch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 9,3%, cao hơn mức tăng 8,9% cùng kỳ năm ngoái, dù chưa đạt kế hoạch đề ra là 11,65%. Một số địa phương ghi nhận mức tăng cao như Quảng Ninh tăng 10%, Hải Phòng và Đà Nẵng cùng tăng 8,2%, TP. Hồ Chí Minh tăng 7,9%, Cần Thơ tăng 7,6%, Hà Nội tăng 7,3%.
Thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 25/NQ-CP và Chỉ thị 06/CT-TTg, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT, giao chỉ tiêu tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ 12 - 20% cho các Sở Công Thương địa phương. Đồng thời, nhiều chương trình trọng điểm đã được đẩy mạnh như: phát triển thương mại vùng sâu, vùng xa, chương trình hạ tầng thương mại biên giới, đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng chuẩn hóa hệ thống logistics và thương mại nội địa.
Cùng với hoạt động thị trường, ngành điện đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo cung ứng điện ổn định. Tổng sản lượng điện toàn hệ thống quốc gia 6 tháng đầu năm đạt 143,6 tỷ kWh, tăng 3,03% so với cùng kỳ, đạt 45% kế hoạch năm.
Sự gia tăng phụ tải diễn ra mạnh vào đầu tháng 6 khi nắng nóng gay gắt kéo dài tại Bắc Bộ và Trung Bộ, đòi hỏi ngành điện huy động tổng lực các nguồn lực hiện có để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống.
Nhiều công trình trọng điểm như đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Hải Phòng - Thái Bình, Bình Dương 1 - Chơn Thành, cùng các dự án 220kV khác được khẩn trương triển khai. Các nhà máy nhiệt điện hoạt động ổn định, không có sự cố gây gián đoạn cung ứng. Việc truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc được tăng cường nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong cao điểm mùa nắng nóng.
Trong lĩnh vực xăng dầu và khí, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách quan trọng như ban hành quyết định thay thế Quyết định 53/2012/QĐ-TTg về phối trộn nhiên liệu sinh học, phát triển phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đầu mối và cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Việc điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 7 ngày/lần được thực hiện nghiêm túc theo các Nghị định 80/2023/NĐ-CP, 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP, bám sát diễn biến giá thế giới. Trong 6 tháng đầu năm, không sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường năng lượng trong nước.