Tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Hội Khánh

Sáng nay, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến chùa Hội Khánh - trụ sở Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương - thắp hương tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng tới chùa Hội Khánh thắp hương tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh...

Hòa thượng Thích Huệ Thông đón tiếp đoàn. Ảnh: Hồng Thuận

Hòa thượng Thích Huệ Thông đón tiếp đoàn. Ảnh: Hồng Thuận

Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Hội Khánh - đã chia sẻ về lịch sử ngôi chùa, hoạt động phật sự của Phật giáo tỉnh, các chương trình của chùa Hội Khánh.

Theo đó, chùa Hội Khánh là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất Bình Dương, được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993.

Chùa được xây dựng vào năm 1741, đến năm 1861 đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay. Năm 2007, chùa xây thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27m và tái tạo phật tích “Tứ động tâm”.

Hòa thượng Thích Huệ Thông trò chuyện với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Hồng Thuận

Hòa thượng Thích Huệ Thông trò chuyện với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Hồng Thuận

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, đã góp nhiều công sức, tâm huyết kể cả xương máu của các nhà tu, phật tử nhà chùa. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa là trụ sở Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương. Đến năm 1983, chùa Hội Khánh là trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương.

Đặc biệt, tại chùa có gian thờ trang nghiêm, nơi tôn trí tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được biết, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - là người có công truyền bá tư tưởng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Bình Dương nói riêng. Từ năm 1923-1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đến chùa Hội Khánh sinh sống, hoạt động yêu nước bí mật. Tại đây, cùng với các nhà nho, nhà sư yêu nước, cụ đã thành lập Hội Danh dự yêu nước và thông qua các hoạt động dạy học, bốc thuốc, chữa bệnh cho người dân để truyền bá tư tưởng yêu nước.

Các vị lãnh đạo dâng hương tưởng niệm tại nơi thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên chùa Hội Khánh. Ảnh: Hồng Thuận

Các vị lãnh đạo dâng hương tưởng niệm tại nơi thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên chùa Hội Khánh. Ảnh: Hồng Thuận

Thắp hương tưởng niệm, với lòng tri ân. Ảnh: Hồng Thuận

Thắp hương tưởng niệm, với lòng tri ân. Ảnh: Hồng Thuận

Hàng năm, vào ngày 27/10 âm lịch, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh Bình Dương phối hợp cùng chùa Hội Khánh tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc trang trọng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và kính trọng của nhân dân địa phương đối với một chí sĩ đã hiến trọn đời mình cho lý tưởng yêu nước và vì nghĩa lớn của dân tộc.

Lưu Đình Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tuong-niem-cu-nguyen-sinh-sac-va-chu-tich-ho-chi-minh-tai-chua-hoi-khanh-2402721.html