Khu công nghiệp Phúc Điền ở huyện Cẩm Giàng nằm ngay cạnh quốc lộ 5. Đây là nơi làm việc của hàng nghìn công nhân tới từ nhiều địa phương khác nhau. Do đại dịch Covid-19, 3.700 công nhân bị kẹt lại Hải Dương.
Ngày 24/2, gạo được đóng thành các túi 5 kg để phát cho công nhân trong khu trọ.
Trong số 30 tấn gạo cứu trợ được chia cho các địa bàn của Hải Dương, huyện Cẩm Giàng được 10 tấn. “Số lượng chưa lớn nhưng hy vọng có thể giúp đỡ phần nào cho người dân lao động trong thời gian trước mắt”, bà Hồ Thị Hiên (Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Giàng) chia sẻ.
15h, gạo cứu trợ được chuyển đến thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng (cách Khu công nghiệp Phúc Điền 3 km). Thôn này có 2.700 công nhân đang ở trọ. Do dịch Covid-19, họ bị kẹt lại từ trước Tết Nguyên đán.
Công nhân trong các xóm trọ lần lượt ra lấy gạo. Mỗi người được phát 5 kg.
Nhận được gạo cứu trợ, chị Lý Thị Nhớ mang đi nấu cơm. Quê ở Hà Giang, chị Nhớ đón Tết năm nay xa nhà. “Những ngày giãn cách, chợ đóng, gạo trong nhà cũng hết từ hôm qua. May thay chiều nay, chúng tôi được cứu trợ”, chị Nhớ nói.
Khu trọ của anh Ma Văn Khắc có 14 người. Từ khi có dịch, cả xóm khóa cổng, chỉ ở trong nhà. Thực phẩm tích từ trước Tết đến giờ cũng hết. Chiều 24/2, anh nhận được thông báo có gạo cứu trợ. Để tiết kiệm thời gian, anh nhận 3 bao gạo 25 kg rồi về phát cho người trong xóm.
Chiếc cân nhỏ được sử dụng để chia gạo. “Hôm kia chúng tôi được phát 2 túi rau bắp cải. Hôm qua là mì tôm, trứng, nước mắm, dầu ăn. Hôm nay có gạo. Chúng tôi mừng lắm”, nữ công nhân Mai Thị Đàm cho biết.
Ngoài gạo cứu trợ, UBND Cẩm Giàng còn phát thêm các nhu yếu phẩm: Rau củ, mì tôm, gia vị… Do khối lượng công việc lớn, chính quyền đã huy động thêm cán bộ, tình nguyện viên tới trợ giúp. Đến 17h, việc phát đồ cứu trợ hoàn tất.
Cuộc sống trong ổ dịch nguy hiểm nhất Hải Dương Trong thời gian cách ly, người dân xã Kim Liên, huyện Kim Thành (Hải Dương) chủ yếu ở trong nhà. Họ chỉ ra đường khi có thông báo nhận thực phẩm và thuốc men từ chính quyền.
Thạch Thảo