Công nhân khó trăm bề

Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến đời sống lao động ngoại tỉnh tại TP HCM đối diện với nhiều khó khăn, phải xoay xở mọi cách để trụ lại

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân sự. Tình thế này đẩy người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động ngoại tỉnh đối diện với muôn vàn khó khăn. Muốn có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống, họ buộc phải tìm việc làm thêm song lại không có nhiều sự lựa chọn.

Bấp bênh việc làm

Liên tục một tháng qua, do không có đơn hàng, nhiều DN thâm dụng lao động tại TP HCM tiếp tục cắt giảm lao động. Mới đây nhất là Công ty CP Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) thông báo tiếp tục cắt giảm 1.577 CN do gặp khó khăn về đơn hàng. Đây là đợt cắt giảm lao động thứ 3 kể từ giữa tháng 5-2020, khiến hơn 4.000 CN mất việc.

Việc DN thu hẹp sản xuất khiến CN lâm vào cảnh thiếu việc. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (38 tuổi), CN một công ty chuyên gia công giày tại quận Bình Tân, lo lắng nói: "Mới tháng trước, tôi còn đi làm 3 buổi/tuần, thì tháng này chỉ làm 3 buổi/tháng, thu nhập sụt giảm nghiêm trọng. Tôi muốn tìm việc làm mới nhưng tuổi này rất khó xin việc, còn ở công ty thì phải chịu cảnh phập phù. Đơn hàng không ổn định nên công ty thường có thông báo đột xuất, do vậy ở nhà tâm trạng cứ hoang mang, suốt ngày canh điện thoại đợi công ty kêu đi làm".

Tình cảnh của anh Ngô Văn Phương (41 tuổi), CN một công ty cơ khí cũng chẳng khá hơn. "Trước Tết, công việc của tôi rất ổn định với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền tăng ca. Thế nhưng, từ khi dịch bùng phát công việc cứ thưa dần, có tuần chỉ làm 2-3 ngày nên không đủ sống. Giờ mà nghỉ ra ngoài xin việc cũng khó vì tuổi cao. Hy vọng dịch bệnh sẽ qua mau" - anh Phương bộc bạch.

Đang mang thai 4 tháng trong khi hợp đồng lao động sắp hết hạn nên chị Nguyễn Thị Liên, CN một công ty chuyên gia công giày ở quận Gò Vấp, TP HCM, luôn sống trong tâm trạng bất an. "Hai tháng nay, công việc ít dần nên thu nhập không đủ để tôi trang trải chi phí sinh hoạt. Nghe nói công ty sắp tiếp tục cắt giảm lao động nên tôi rất lo. Giờ bụng mang dạ chửa mà thất nghiệp nữa thì chẳng biết bám víu vào đâu. Việc làm của chồng không ổn định, con gái lớn bắt đầu vào tiểu học nên khó khăn càng chồng chất. Thương em gái khó khăn, chị ruột ở quê gửi lên một bao gạo hỗ trợ" - chị Liên chia sẻ.

Không có việc làm ổn định, nhiều nữ công nhân lấy rau từ các chợ đầu mối về bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: HUYỀN ANH

Không có việc làm ổn định, nhiều nữ công nhân lấy rau từ các chợ đầu mối về bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: HUYỀN ANH

Bươn chải kiếm sống

Công việc ở nhà máy thất thường, thậm chí không có việc để làm, nhiều CN phải xoay xở mọi cách để có thể trụ lại TP duy trì cuộc sống. Ba tháng nay, do DN không có đơn hàng nên anh Nguyễn Quốc Hưng (46 tuổi), CN Công ty TNHH G.V (quận Thủ Đức), làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ, khuân vác, chở đồ thuê, chạy xe ôm. Thu nhập một ngày khoảng 150.000 đồng chỉ đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. "Ra ngoài làm việc không có hợp đồng, bảo hiểm nên phải chấp nhận chịu thiệt. Tôi chỉ mong sao có đủ sức khỏe để cầm cự qua dịch. không phải ngày nào cũng có việc" - anh Hưng tâm sự.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều CN ngoại tỉnh. Không có việc làm ổn định, chị Nguyễn Thị Gấm (27 tuổi), CN Công ty TNHH F.T Việt Nam (KCN Linh Trung II, quận Thủ Đức) và nhóm bạn gom ít tiền tích lũy ra chợ đầu mối mua rau củ về bán kiếm lời. Tan ca, họ tranh thủ bày hàng ở khu chợ tạm gần công ty để bán. "Hôm bán được thì kiếm được 20.000 - 30.000 đồng, đủ rau cháo qua ngày. Tình hình này kéo dài chắc chắn CN sẽ khó khăn hơn và chúng tôi cũng đã tính đến chuyện xin nghỉ hẳn để về quê sinh sống" - chị Gấm tâm sự.

Ở KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), do thiếu việc làm nên không ít CN phải chạy xe ôm công nghệ và bán vé số. "Ngày bán được thì kiếm gần 100.000 đồng, ngày nào bán không kịp giờ chiều xổ số thì đành ngậm ngùi ôm hết vé" - anh Nguyễn Văn Khắc (33 tuổi), CN Công ty TNHH N.P Việt Nam (huyện Củ Chi) đang hành nghề bán vé số dạo bộc bạch. Còn tại KCN Tân Tạo, KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) nhiều CN cũng rơi vào tình trạng tương tự. Để có thể trụ lại TP, nhiều CN phải thuê những xe đẩy bán hàng rong, xin phụ việc tại các quán ăn hoặc mang đồ về gia công tại nhà.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục kéo dài, họ không dám chắc họ sẽ bám trụ lại TP được bao lâu. "Nhà chỉ có tôi là lao động chính, chồng tôi lao động tự do nên thu nhập không ổn định. Con gái lớn chuẩn bị vào đại học nên bây giờ bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên tôi. Ban ngày tôi làm việc tại công ty, tối phải đi làm thêm tại quán ăn, kiếm được đồng nào hay đồng ấy" - chị Bùi Thị Sim (39 tuổi), CN Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân), nói.

Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Dồn lực hỗ trợ công nhân mất việc, thiếu việc

Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến nhiều DN vừa hồi phục tiếp tục lâm vào khó khăn, phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Ngoài lưu ý các cấp Công đoàn tập trung giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, đặc biệt là chi trả chế độ cho CN mất việc, ngừng việc, LĐLĐ TP đề nghị các cấp Công đoàn huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho đối tượng này. Trước mắt, cần nắm chắc số lượng CN khó khăn cần giúp đỡ; vận động các chủ nhà trọ tiếp tục giảm giá thuê phòng cho CN.

PHÙNG MY - HUYỀN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-kho-tram-be-20200817210319676.htm