Công nhân, lao động mong có thêm nơi giữ trẻ chất lượng
Đời sống còn khó khăn, công nhân, lao động (CNLĐ) đối mặt với nhiều nỗi lo về việc làm, thu nhập, các chính sách hỗ trợ, nhà trẻ cho con,... Thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn đó, các cấp, các ngành vào cuộc, giúp CNLĐ giảm gánh lo.
Mong có nhiều nhà trẻ hơn
Cùng với quá trình phát triển của doanh nghiệp (DN), những năm qua, lực lượng CNLĐ trên địa bàn tỉnh Long An không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đó là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh với trên 400.000 người. Trong đó, CNLĐ là người ngoài tỉnh chiếm số lượng không nhỏ. Vì vậy, một trong những nhu cầu lớn là nhà trẻ dành cho con CNLĐ để an tâm LĐ, sản xuất, gắn bó lâu dài với DN, địa phương.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty (Cty) Cổ phần Bao bì Tín Thành (huyện Đức Hòa) - Nguyễn Ngọc Trung chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu nhà trẻ dành cho con CNLĐ là cấp thiết bởi thực tế, nhiều CNLĐ phải gửi con cho gia đình ở quê hoặc gửi các cơ sở giữ trẻ của tư nhân gần nơi ở trọ. Mặt khác, sau khi nghỉ thai sản 6 tháng, người LĐ đi làm lại nhưng trẻ 6 tháng chưa gửi vào trường công lập mà phải tìm chỗ gửi tư nhân. Nhiều người vì thế không an tâm, dẫn đến CNLĐ nữ nghỉ việc để ở nhà trông con. CNLĐ mong có thêm nhiều nhà trẻ uy tín, chất lượng, nhất là ở những địa bàn có khu, cụm công nghiệp để an tâm gửi con”.
Được biết, hiện quy mô cấp học mầm non (MN), toàn tỉnh có 215 trường, gồm 124 trường mẫu giáo và 91 trường MN, trong đó, có 190 trường công lập và 25 trường tư thục. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 331 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Khó khăn hiện nay là tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ còn thấp do các địa phương còn thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, hiện khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, cơ sở vật chất trường MN chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp.
Nỗ lực giải quyết khó khăn
Để giải quyết khó khăn này, từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về thực hiện Đề án Phát triển giáo dục MN trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu chung của kế hoạch là củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp MN phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể: Từ năm 2021 đến 2025 sẽ đầu tư xây dựng 700 phòng học ở các địa phương với tổng mức đầu tư gần 350 tỉ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh huy động 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường.
Các địa phương trong tỉnh tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho trường, lớp MN ngoài công lập: Trường MN An Nông, Trường MN - Tiểu học Tổ Ong Vàng, Trường MN Úc Châu (huyện Bến Lức), Trường MN Quốc Tế (TP.Tân An), Trường MN tư thục IQ Cần Đước 2, Trường MN tư thục Hạnh Phúc (huyện Cần Đước), Trường MN Hoa Hồng, Trường liên cấp Nhân Văn và Trường MN Nhân Lễ (huyện Cần Giuộc),... giúp giảm gánh nặng cho trường công lập.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Phan Thị Dạ Thảo, trong năm 2023, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương cho trường, lớp MN công lập, UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi xã hội hóa giáo dục MN, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách đất đai, tín dụng, thuế và thủ tục hành chính cho các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục MN phục vụ nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ của CNLĐ ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp và của người dân ở những nơi tập trung đông dân cư.
Với những giải pháp của tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho trường MN ngoài công lập, nhất là các địa phương có khu, cụm công nghiệp, hy vọng rằng, nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ dần được đáp ứng, từ đó, an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương, DN./.