Công nhận 'Nghề dệt choàng' là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Ngày 2/8, tại xã Long Khánh A, UBND huyện Hồng Ngự tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt choàng” xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự. Tham dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cho biết, nghề dệt choàng xã Long Khánh A được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thật sự là niềm vui, tự hào của người dân huyện Hồng Ngự nói riêng và người dân tỉnh Đồng Tháp nói chung. Đây là sự ghi nhận thành quả lao động của các thế hệ nghệ nhân đã ra sức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa vùng đất này.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Phước Thiện gửi lời cảm ơn những hộ dân còn theo nghề dệt choàng, góp phần gìn giữ, phát huy và trao truyền di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Phước Thiện mong muốn các hộ làm nghề dệt choàng sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong việc duy trì, truyền dạy, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề cho các thế hệ kế tiếp, góp phần gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt choàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành, địa phương khẩn trương có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp đơn vị liên quan tổ chức hoạt động giáo dục gắn với di sản văn hóa cho các trường trên địa bàn tỉnh…
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát triển Làng nghề dệt choàng Long Khánh A nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự…
Thông tin tại buổi lễ, UBND huyện Hồng Ngự cho biết, hiện tại Làng nghề dệt choàng Long Khánh A có 58 hộ làm nghề, với 147 khung dệt, tạo việc làm cho trên 300 lao động ở địa phương. Hàng năm, làng nghề sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 2 triệu chiếc khăn choàng các loại, với giá bán từ 50.000 - 160.000 đồng/sản phẩm, tùy thuộc vào chủng loại, màu sắc, kích cỡ. Năm 2014, sản phẩm khăn choàng của Làng nghề dệt choàng Long Khánh A được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng thị trường, người dân Làng nghề dệt choàng Long Khánh A đã không ngừng cải tiến, sáng tạo, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm mới như: quà tặng khăn rằn, áo sơ mi, áo dài, túi xách, nón, cà vạt… Hiện, các sản phẩm của làng nghề vừa phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân vừa là sản phẩm quà tặng du lịch giá trị cao, đặc trưng của huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.