Công nhân, người lao động lo lắng vì 'tín dụng đen', tội phạm công nghệ cao
Công nhân, người lao động thành phố Đà Nẵng kiến nghị cần có các biện pháp, chế tài mạnh hơn nữa để xử lý 'tín dụng đen', tội phạm công nghệ cao
Tại Hội nghị Tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, người lao động của Đoàn Đại biểu quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng chiều 12/5, nhiều công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bày tỏ sự lo lắng khi liên tục bị “tín dụng đen” bủa vây, và sự gia tăng của tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao.
Chị Hoàng Thị Thanh Lam – Công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP. Đà Nẵng) cho biết, cho vay tín dụng đen trong nhân dân, công nhân đang biến tướng, gồm cả vay online trên mạng, và đã lan đến công nhân, khu công nhân, với thủ tục vay nhanh, nhiều công nhân đã rơi vào tín dụng đen. “Hiện có rất nhiều công nhân vay "tín dụng đen". Tại Công ty Daiwa, nếu công nhân bị các đối tượng gọi điện đến công ty đòi nợ thì công nhân đó sẽ bị sa thải vì ảnh hưởng đến danh dự, hoạt động của công ty. Tình trạng cho vay tín dụng đen này diễn ra rất nhiều, tràn lan, trái pháp luật”, chị Lam nói và đề nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài biện pháp để ngăn chặn tình trạng này
Còn chị Nguyễn Thị Bích Liên – Công nhân Công ty TNHH Gimec Việt Nam (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) phản ánh về sự phức tạp của tội phạm công nghệ cao. Theo chị Liên, những năm gần đây tình hình an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhiều tội phạm đã lợi dụng công nghệ cao để đánh bạc, lừa đảo, phát tán video độc hại, đặc biệt là tuyên truyền các thông tin xấu. “Hầu hết bây giờ ai cũng có điện thoại thông minh và tham gia các mạng xã hội.
Tuy nhiên, trên đó có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, không kiểm soát được phát tán và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Mà thực tế, những thông tin không kiểm chứng lại thu hút rất đông lượt người xem, chia sẻ gây ảnh hưởng đến tâm lý cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, chị Liên nói và mong muốn các Đại biểu Quốc hội kiến nghị với Đảng, Nhà nước có giải pháp kiểm soát thông tin, để công nhân tiếp cận thông tin chính thống và chính xác nhất.
Thông tin nhanh về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đình Chung – Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho biết, hiện không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là “Tín dụng đen”. Nhưng trong thực tế, có những trước hợp đã bị lợi dụng lừa đảo. Có thể hiểu, tín dụng đen là cho vay lãi suất cao hơn so với quy định nhưng không đăng kí kinh doanh, không có được phép của nhà nước (còn gọi là vay nặng lãi).
Loại hình cho vay trái pháp luật này đánh vào tâm lý nhu cầu người dân cần tiền giải quyết vấn đề, với quảng cáo vay nhanh, dễ dàng, không cầm cố tài sản, không cần chứng minh thu nhập. Nhiều công nhân, người lao động cần tiền để trang trải cuộc sống đã nhẹ dạ và mắc bẫy vay tiền.
Bộ Luật Hình sự năm 2015, và sửa đổi bổ sung năm 2017 đã điều chỉnh mức phạt cho tội cho vay nặng lãi. Đối với loại tội phạm công nghệ cao trong Luật Hình sự cũng có được nhắc đến và điều chỉnh.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, "tín dụng đen" và tội phạm công nghệ cao này xảy ra khắp cả nước với nhiều mức độ thiệt hại. Trong thời gian qua, ngoài công tác phối hợp giữa các bộ ngành thì lực lượng công an đã tiến hành đấu tranh quyết liệt đối với 2 loại hình tội phạm trên. Riêng năm 2022 đã khởi tố 715 vụ với 347 bị can liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Tuy nhiên, thủ đoạn 2 loại tội phạm ngày càng tinh vi hơn đòi hỏi lực lượng công an phải tăng cường trách nhiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ để đấu tranh. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền để nhân dân, người lao động biết phương thức thủ đoạn mới của loại tội phạm, chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn tội phạm.
Các lực lượng liên ngành tăng cường trao đổi thông tin, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện hệ thống giao dịch viễn thông, ngân hàng. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã ra soát, xử lý nghiêm tình trạng sim rác. Nhưng qua rà soát vẫn còn một số lượng sim vẫn còn vấn đề, đây là những sim sử dụng chứng minh giả. Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị viễn thông rà soat, xử lý dứt điểm.
Để hoạt động phòng chống "tín dụng đen" và tội phạm công nghệ cao cần có sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể đặc biệt là nhân dân, người lao động - đối tượng mà các loại tội phạm thường ngắm đến, là những người lao động có điều kiện sinh hoạt, đời sống khó khăn.
Thiếu tướng Trần Đình Chung cũng đề nghị công nhân, người lao động, cử tri nghiên cứu tham khảo thông tin về chính sách tín dụng trên các cổng thông tin điện tử chính quyền của các ngành; không nên nghe các quảng cáo của tổ chức, cá nhân trên các trang mạng, hay quảng cáo, rao vặt dán ở tường, cột điện các đường. Trong quá trình tiếp cận nguồn thông tin phải xem xét lựa chọn thông tin nào, nếu thông tin trên mạng xã hội thì chỉ nên tham khảo và có kiểm chứng để tránh tin giả.
Ngoài ra, trong đời sống, làm việc, sản xuất, nếu phát hiện các hành vi, đối tượng có dấu hiệu dụ dỗ, lừa đảo thì có thông tin gửi cho công an, các cấp chính quyền sớm nhất để các cơ quan đấu tranh sớm nhất.