Công nhân 'nhấp nhổm' đợi lương tháng 13
Lương tháng thứ 13 (thưởng Tết) là niềm hy vọng và mong đợi của rất nhiều công nhân lao động khi thời điểm cuối năm nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, cắt giảm lao động, không tăng ca…
Lương tháng 13 được coi là món quà giá trị vật chất và tinh thần của doanh nghiệp dành cho người lao động sau một năm cống hiến, làm việc. Bởi lẽ, Tết chính là thời điểm công nhân lao động trở về nhà, chi tiêu nhiều chi phí khi về quê, quà Tết… Do đó, nếu không có lương tháng 13 thì họ đều bị “mất Tết”.
Lương tháng 13 là “thưởng Tết”
Lương tháng thứ 13 và thưởng Tết là 2 khoản hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, lương tháng thứ 13 lại được coi là thưởng Tết vì được thanh toán cho người lao động vào trước khi nghỉ Tết Nguyên đán.
Thực chất, thưởng Tết là khoản tiền thưởng do người sử dụng lao động quyết định thưởng cho người lao động khi đơn vị hay doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hoặc khi người lao động hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
Còn lương tháng 13 là khoản lương được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động (đây là khoản lương không bắt buộc phải có). Trong hợp đồng lao động tại nhiều đơn vị sẽ có điều khoản quy định về lương tháng thứ 13, nhiều đơn vị không có. Nếu trong hợp đồng lao động có quy định về khoản lương thứ 13 thì người sử dụng lao động bắt buộc phải thực hiện chi khoản lương này.
Do đó, lương tháng thứ 13 và thưởng Tết đều có đặc điểm được chi vào dịp cuối năm và được người sử dụng lao động quyết định nên nhiều doanh nghiệp đã đồng nhất lương thứ 13 với thưởng Tết vào làm một.
Mỗi nơi một cách tính, kẻ cười - người khóc
Đăng Khoa (sinh năm 1998, quê Thanh Hóa) hiện đang là công nhân tại công ty giấy và PVC ở Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Khác với nhiều công ty tại KCN Tam Phước phải cắt giảm công nhân thì công ty tôi lại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển đơn hàng. Đặc biệt là chú trọng đến thưởng Tết và lương tháng thứ 13, quan tâm đời sống công nhân lao động khi Tết Nguyên đán ngày càng đến gần”.
Tại công ty của Khoa, cách tính lương tháng 13 được cộng tất cả lương (chưa trừ bảo hiểm…) của 12 tháng rồi chia cho 12. “Tổng lương trung bình mỗi tháng của tôi được 8.800.000 đồng nên thưởng cũng được tương đương như vậy. Mặt bằng chung của anh em công ty cũng từ 6.000.000 đồng - 8.000.000 đồng”, Khoa nói.
Công ty nơi Đăng Khoa làm việc có quy mô nhỏ (khoảng hơn 200 lao động) nên quỹ công đoàn không đáng kể, việc thưởng Tết từ công đoàn phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất theo từng năm của công ty như năm nay thì sẽ không có thưởng Tết thêm từ công đoàn.
Mấy ngày này, chị Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1992) cũng như nhiều công nhân may tại một công ty may của Hàn Quốc tại Bắc Giang vỡ òa vì được thông báo về lương, thưởng tháng 13 khác với mọi năm do đơn hàng có nhiều.
“Những ngày cuối năm đơn hàng của công ty lại càng nhiều, công nhân chúng tôi ở lại tăng ca liên tục. Các công ty may mặc khác ảnh hưởng của dịch mà đơn hàng ít đi nhưng công ty chúng tôi lại đều việc nên thưởng, lương tháng 13 mới cao thế”, chị Bình mừng rỡ nói.
Theo chị Bình, lương tháng 13 của công nhân tại công ty sẽ được tính theo tổng phần trăm xếp loại lương của 12 tháng, mỗi tháng sẽ được xếp loại theo 5 bậc: AA, AB, AC, AD cuối cùng là AO.
Chị Bình cho hay: “Đối với bậc AA, công nhân sẽ được hưởng 11% của tổng lương 12 tháng (tính lương đã khấu trừ bảo hiểm, thuế…) cộng lại, mỗi bậc thấp đi sẽ giảm 1%. Tháng nào tôi cũng đạt loại AA (hoàn thành xuất sắc công việc) nên năm nay tôi được hơn 13.000.000 đồng lương tháng 13”.
Không chỉ có lương tháng 13, công đoàn của công ty chị Bình làm việc còn tặng mỗi công nhân 1 giỏ quà Tết bao gồm: Mắm, muối, bánh kẹo… và lựa chọn một bộ quà tặng như bát hoặc cốc của công ty làm quà Tết.
“Nhờ sự quan tâm của ban lãnh đạo đến toàn thể công nhân chúng tôi mà đời sống luôn được cải thiện. Những chính sách đãi ngộ trong dịp Tết Nguyên đán mà công ty đem lại khiến chúng tôi thấy được việc trả công phù hợp trong suốt 1 năm qua. Cũng từ những chính sách này mà tôi đã gắn bó với công ty hơn 6 năm, có những anh chị cũng cả chục năm”, chị Bình bộc bạch.
Khác với chị Bình và anh Khoa, công ty điện tử của anh Phạm Ninh Công tại KCN Vân Trung, Bắc Giang (sinh năm 1990, quê Phú Thọ) lại tính lương tháng 13 (thưởng Tết) theo thâm niên làm việc. “Việc tính lương tháng 13 như vậy sẽ gây thiệt thòi cho công nhân”, anh Công nói.
Với công nhân có thâm niên trên 2 năm sẽ được nhân 110%, hơn 1 năm là 105% và dưới 1 năm là 100%. Công thức tính sẽ gồm lương cơ bản của tháng 12-2022 cộng các khoản phụ cấp đi lại và phụ cấp chuyên cần. Sau đó, nhân với tổng số ngày làm việc thực tế chia cho 312 ngày. Cuối cùng, xét theo thâm niên rồi tính ra được lương tháng 13 mà công nhân nhận được.
Bằng cách tính lương tháng 13 như vậy, Tết năm nay anh Công sẽ nhận được hơn 5.000.000 đồng tiền lương tháng 13. Anh Công bày tỏ: “So với mặt bằng chung của các công ty điện tử, chúng tôi nhận được tháng lương 13 thấp nhưng có vẫn còn hơn không. Tết bao nhiêu thứ phải lo, được đồng nào hay đồng đó”.
Chưa năm nào, vấn đề lương tháng 13 (thưởng Tết) lại được công nhân lao động nhấp nhổm, mong ngóng từng ngày như năm nay. Dẫu biết, lương tháng 13 còn tùy thuộc vào sự sống còn của doanh nghiệp trong suốt 1 năm vực dậy khi tình hình Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, con người - công nhân sản xuất vẫn là một yếu tố then chốt và là tài sản lớn của doanh nghiệp.
Việc có những chính sách đãi ngộ về lương tháng 13 (thưởng Tết) phù hợp còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động. Những người lao động đều chỉ mong sao có được mức thưởng Tết xứng đáng với những gì họ đã cống hiến cho doanh nghiệp. Có lẽ, đã đến lúc doanh nghiệp và công đoàn phải có sự đồng nhất trong việc thưởng Tết để “níu chân” người lao động. Chỉ khi làm được việc đó, người lao động mới yên tâm làm việc, nỗ lực sáng tạo cùng doanh nghiệp vươn xa hơn trong thời gian tới.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cong-nhan-nhap-nhom-doi-luong-thang-13-716813