Công nhân 'nhảy' chỗ làm, chỗ ở
Do thu nhập còn bấp bênh, không bảo đảm cuộc sống nên nhiều công nhân vẫn chưa thể 'an cư lạc nghiệp', họ đành chấp nhận thường xuyên thay đổi chỗ làm, kéo theo việc phải tìm nơi ở mới.
Thay đổi về công việc để tìm kiếm đồng lương và nơi làm việc tốt hơn, nhiều công nhân xa quê phải thường xuyên thay đổi chỗ ở, đời sống bấp bênh, không biết đến bao giờ mới ổn định.
Chưa an cư sao lạc nghiệp?
Việc làm và chỗ ở là 2 vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của công nhân, lao động. Qua cuộc trò chuyện với một nhóm công nhân ở khu nhà trọ thôn Quyết Tâm, xã Lai Vu (Kim Thành), chúng tôi mới hiểu được lý do tại sao họ "nhảy" việc, sau đó "nhảy" luôn cả chỗ ở. Chị Cao Thị Lâm (19 tuổi, ở tỉnh Hà Giang) hiện làm công nhân Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal ở khu công nghiệp Lai Vu là một trong nhiều công nhân như vậy. Về miền xuôi hồi tháng 5, chị Lâm tìm việc tại một số công ty may ở Nam Sách, nhưng sau vài tháng làm việc, lương chỉ có 5 triệu đồng/tháng, chị đã đi tìm việc khác. Đến công ty dệt, lương có khá hơn một chút nhưng chi tiêu sinh hoạt nhiều nên chị cũng không dành dụm được bao nhiêu.
Lúc đầu chị Lâm thuê nhà ở Nam Sách, ngay cạnh công ty để tiện đường đi lại nhưng khi chuyển về khu công nghiệp Lai Vu, chị phải chuyển chỗ ở theo công việc. Chị Lâm nói: "Đồ đạc lỉnh kỉnh, chuyển đi, chuyển lại rất mất thời gian, công sức". Thế nhưng có lẽ đây vẫn chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng, vì chị vẫn muốn trải nghiệm thêm công việc một thời gian nữa. Có điều kiện nâng cao tay nghề chị sẽ xin việc ở những công ty có thu nhập tốt hơn.
Từ đầu năm đến nay, anh Ngô Văn Huynh làm việc tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) đã phải thay đổi chỗ ở 3 lần. Mỗi lần đổi chỗ là một lần tốn kém thêm. Thế nhưng, ở trọ lâu hay không còn phụ thuộc vào tính cách của người cùng thuê trọ và chủ nhà. Nhiều khi họ không hợp nhau cũng sẽ dẫn đến việc "nhảy" nhà trọ. Anh Huynh cho biết công việc của anh hay phải gặp gỡ, giao lưu với khách hàng đến 23 giờ mới về, có hôm muộn hơn nhưng chủ trọ ở thôn Vũ Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) đã không cho vào phòng vì quy định là đến 22 giờ đóng cửa, ai về muộn thì ở ngoài. Dù anh Huynh đã nhiều lần nói chuyện mong chủ trọ thông cảm nhưng không cải thiện được tình hình nên anh phải đi thuê nhà trọ khác.
Ngoài những lý do trên, nhiều công nhân, lao động còn thay đổi chỗ ở theo mùa. Mùa hè thì tìm phòng có điều hòa, mùa đông thì tìm phòng có bình nước nóng hoặc chuyển sang ở phòng thường cho rẻ.
Cần phúc lợi tốt hơn
Đối với đa số công nhân, "nhảy" việc xuất phát từ nhiều yếu tố, không chỉ vì lương thấp mà còn ở cách doanh nghiệp ứng xử chưa tốt hoặc chưa bảo đảm phúc lợi hay áp lực công việc quá lớn. Anh Bùi Chi Hội, làm việc tại bộ phận tuyển dụng của Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Lai Vu, Kim Thành) cho biết lương ở doanh nghiệp này khá ổn định song áp lực công việc cũng lớn. Vì vậy, nhiều người trẻ chỉ đến làm chục ngày đã bỏ, có thời điểm số lượng công nhân tuyển về không đủ lấp đầy số lao động nghỉ việc.
Sự biến động nguồn nhân lực đối với doanh nghiệp có thể dẫn đến sản xuất bị đình trệ, chậm tiến độ, gây thiệt hại về kinh tế. Còn đối với người lao động thì mất thời gian, thiếu ổn định cuộc sống.
Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là chăm lo tốt cho công nhân, lao động. Doanh nghiệp cần có tổ chức công đoàn làm cầu nối, duy trì hài hòa quyền lợi của người lao động với chủ doanh nghiệp. Anh Nguyễn Hồng Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam (Cẩm Giàng) cho biết số lượng công nhân làm việc tại công ty luôn ổn định. Ngoài mức lương ổn định ở mức khá thì công nhân, lao động còn được chăm lo đầy đủ về quyền lợi, chế độ theo quy định của Nhà nước. Công đoàn thường xuyên rà soát những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để huy động đoàn viên, công nhân, lao động quyên góp kinh phí hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, công đoàn và công nhân, lao động của công ty đã quyên góp hỗ trợ hơn 100 triệu đồng cho 3 công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua những hoạt động nhân đạo này, người lao động càng thêm gắn bó với công ty, tin tưởng công đoàn, góp phần ổn định cuộc sống.
Hiện nay, mức thu nhập bình quân của công nhân, lao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, trong khi phải chi tiêu nhiều việc khác. Nhiều công nhân, lao động đi làm chỉ đủ nuôi bản thân, không có tích lũy, hết tháng là hết tiền. Vì vậy, chưa an cư, không thể lạc nghiệp.
Cùng với các hoạt động chăm lo đời sống của người lao động, tổ chức công đoàn cần phối hợp với địa phương để tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự tại khu nhà trọ; phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận giá nhà trọ phù hợp để người lao động có cuộc sống ổn định.
Theo Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 30.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Nhiều người ở xa, từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Trung. Một số khu công nghiệp có đông công nhân như Tân Trường, Đại An, Lai Vu, Phú Thái. Hầu hết công nhân nhảy việc, nhảy chỗ ở là những công nhân mới, trẻ, chưa có gia đình. Đa số công nhân ở trọ đều mong muốn có một chỗ ở ổn định để an cư lạc nghiệp. Mong rằng Hải Dương sớm xây dựng nhiều khu nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho người lao động.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/cong-nhan-nhay-cho-lam-cho-o-215316