Công nhân tăng ca để có thêm thu nhập, giảm giờ làm lương sao đủ sống?
Giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần là xu thế chung của các nước phát triển, nhưng thực tế chung hiện nay, công nhân muốn có thêm thu nhập đều phải làm thêm giờ, tăng ca kíp.
Muốn có thu nhập đủ sống, bắt buộc phải làm thêm giờ
Chị Lê Ngọc Lan, công nhân tại một công ty sản xuất, lắp ráp điện tử ở Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, do đặc thù công việc nên đa số công nhân tại công ty chị đều phải làm theo ca, kíp.
Chị Lan làm 4 ngày, nghỉ 2 ngày. Mỗi ngày làm chính thức là 10 giờ, cộng thêm 1,5 giờ làm thêm, tổng cộng không được quá 48 giờ/tuần.
Chị Lan chia sẻ, làm theo ca, kíp khá mệt mỏi vì mỗi ngày ngoài 10 giờ làm chính chị phải làm thêm 1,5 giờ. Tuy nhiên, vì mức lương thấp, muốn có thu nhập đủ sống thì bắt buộc phải làm thêm giờ, không còn lựa chọn nào khác.
Khi được hỏi về đề xuất giảm giờ làm từ 48 xuống 40 giờ, chị Lan cho biết, với công nhân hiện nay giảm giờ làm là hợp lý, bởi sức khỏe có hạn, cần có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, giảm giờ làm phải đi kèm với nâng cao năng suất suất lao động, đảm bảo mức lương đủ sống cho công nhân.
Chị Lan chia sẻ thêm, hiện nay việc công ty bố trí làm theo ca, kíp nên hằng tháng chị vẫn phải đi làm ngày cuối tuần, không có khái niệm nghỉ thứ Bảy, chủ Nhật như cơ quan Nhà nước; không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình.
Từ thực tế công việc của bản thân, chị Lan mong muốn Nhà nước sớm có chính sách để giảm giờ làm cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp, nhất là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) nêu thực tế tại doanh nghiệp ông đang làm, người lao động vẫn làm việc 48 giờ/tuần, trong khi khu vực hành chính sự nghiệp chỉ làm 40 giờ/tuần.
Do vậy, ông Tú mong muốn Nhà nước cần có quy định giảm giờ làm phù hợp với thực tiễn và các nước lân cận.
Năng suất lao động tăng cao hãy tính đến việc giảm giờ làm
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu, Bắc Giang) cho rằng, thời điểm hiện tại chỉ nên định hướng chứ chưa nên thực hiện giảm giờ làm.
Theo ông Tân, hiện Việt Nam vẫn cần thu hút doanh nghiệp FDI. Nước ta có dân số trẻ, thiếu việc làm nhiều nên cần tận dụng nguồn đầu vào là lao động dư thừa.
Nay mai, khi sản xuất theo hướng tự động hóa tăng, hiệu suất lao động làm việc tăng lên thì hãy tính giảm giờ làm.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước cho rằng, giảm giờ làm phải đi cùng với nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Chỉ khi năng suất lao động tăng cao thì việc giảm giờ làm mới đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, để giảm giờ làm phải chuẩn bị dần các điều kiện như: Cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động.
Hiện nay mặt bằng tiền lương, tiền công ở nước ta cơ bản được doanh nghiệp trả theo thời gian làm việc. Do năng suất lao động chưa thực sự cao, mặt bằng thu nhập thấp nên doanh nghiệp vẫn phải kéo dài thời giờ làm việc. Với thực trạng này, nếu giảm giờ làm nữa thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người lao động.
Từ những phân tích trên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, phải chờ đến khi kinh tế ổn định, khoảng sau năm 2030 mới có thể tính tới chính sách giảm giờ làm.
Việc áp dụng ngay giảm giờ làm cho người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần ở thời điểm hiện tại là khó khăn, do vậy có thể giảm bằng việc chỉ nên đi làm sáng thứ Bảy, còn chiều thứ Bảy và Chủ nhật người lao động được nghỉ để chăm lo cho bản thân và gia đình.