Công nhân tử vong khi xúc đất ở Quảng Ninh: Trách nhiệm Cty Duy Long?
Quá trình thi công, đất đá trên taluy bất ngờ sạt đè xuống cabin khiến một tài xế máy xúc của Công ty CP Xây dựng - Vận tải Duy Long tử vong.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 17h15 ngày 10/11, tại khai trường bốc xúc đất đá của Công ty TNHH Phương Thảo có địa chỉ tại khu 7b, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) ông Nguyễn Thế T. (SN 1961, trú TP Hạ Long), là công nhân của Công ty CP Xây dựng - Vận tải Duy Long đang vận hành máy xúc PC-400 để cắt taluy thì bị đá sạt, đè vào ca bin dẫn đến tử vong.
Theo tìm hiểu của PV, người đại diện pháp luật của Công ty CP Xây dựng - Vận tải Duy Long là ông Đặng Thanh Tùng. Qua sự việc này, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của Công ty sẽ thế nào? Người đại diện pháp luật của Công ty có bị xử lý?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong quá trình xây dựng, thi công các công trình, nhà xưởng, vận hành máy móc thi công thì cả người sử dụng lao động và người lao động cần đảm bảo nguyên tắc về an toàn lao động.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau: Nhà thầu thi công thiếu biện pháp an toàn lao động, do thiết kế biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, không thực hiện các biện pháp kỹ thuật thăm dò, quan trắc trước thi công hay công nhân không được huấn luyện một cách bài bản về kiến thức an toàn lao động. Vì vậy trước khi quy kết trách nhiệm, cần tìm hiểu, điều tra rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc.
Luật sư Tùng cho biết thêm, theo Điều 295, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người mà có hậu quả làm chết người thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
"Giả sử trong trường hợp này, người gây hâu quả là ở phía Công ty Công ty CP Xây dựng - Vận tải Duy Long, thì Công ty này là một pháp nhân chứ không phải cá nhân. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Bị can, bị cáo là pháp nhân thực hiện các quyền thông qua người đại diện theo pháp luật, hành vi phạm tội của pháp nhân thông qua hành vi của các cá nhân. Vì vậy người đại diện theo pháp luật của Công ty phải chịu trách nhiệm đối với sự việc trên.
Theo điều Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: Hình phạt chính: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Hình phạt bổ sung: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính" - luật sư Tùng nói.
Cũng trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, đây là một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến hậu quả một công nhân của Công ty Công ty CP Xây dựng - Vận tải Duy Long tử vong. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc và có những hoạt động động viên hỗ trợ gia đình nạn nhân.
Luật sư Cường phân tích: "Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc và điều kiện đảm bảo an toàn lao động. Trường hợp doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn lao động, sự việc tai nạn là sự cố ngoài ý muốn thì sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Công ty có trách nhiệm bồi thường hỗ trợ cho người lao động theo quy định của pháp luật và thực hiện các thủ tục để người lao động được hưởng quyền lợi về tai nạn lao động.
Theo quy định của pháp luật thì: Khi người lao động bị tai nạn và tử vong trong quá trình làm việc theo quy định Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP sẽ được người sử dụng lao động bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015".
Xem thêm video: Điều tra vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng