Công nhân xây dựng mong được bảo đảm quyền lợi

Vì cuộc sống mưu sinh, bất kể trời nắng hay mưa, những người thợ xây vẫn ngày đêm bám trụ với nghề. Nhọc nhằn, vất vả trong công việc, nhưng họ lại không được ký hợp đồng lao động với công ty, không được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác. Nhiều năm qua, hàng ngàn thợ xây dựng trên địa bàn tỉnh chịu không ít thiệt thòi…

Những người thợ xây dựng thường xuyên đứng chênh vênh trên giàn giáo.

Những người thợ xây dựng thường xuyên đứng chênh vênh trên giàn giáo.

Nghề nhọc nhằn

Mới hơn 8 giờ, cái nắng những ngày giữa tháng 8 vẫn chói chang, khiến bầu không khí trở nên oi bức. Trên sàn 3 của căn nhà đang được xây mới trên đường Thích Quảng Đức (phường Phước Hải, TP. Nha Trang), một tốp thợ gần 10 người đang hì hục xây tường. Không mái che, dưới cái nắng như thiêu, như đốt, mồ hôi túa ra ướt đẫm bộ quần áo lao động cũ mèm của những người thợ. Thoăn thoắt xúc vữa, chọn gạch xây, sau gần 1 giờ, bức tường cao gần 2m, dài hơn 5m đã được 4 thợ chính xây xong. Tranh thủ ít phút nghỉ ngơi, uống ly nước đá, ông Nguyễn Văn Bé (xã Vĩnh Trung) chia sẻ: “Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ tới 11 giờ 30 phút; buổi chiều từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút. Nghề thợ xây suốt ngày phải dầm mưa, phơi nắng, hít bụi. Chưa kể, chúng tôi phải thường xuyên đứng trên giàn giáo cao hàng chục mét để xây, tô tường, chỉ cần bất cẩn, sơ sẩy là xảy ra tai nạn. Mỗi ngày làm, chúng tôi được trả công 450.000 đồng. Nếu trời nắng ráo, mỗi tháng tôi được 25 công, thu nhập được hơn 10 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Bé gắn bó với nghề xây dựng đã 20 năm nhưng chưa được công ty ký hợp đồng và tham gia các loại bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Bé gắn bó với nghề xây dựng đã 20 năm nhưng chưa được công ty ký hợp đồng và tham gia các loại bảo hiểm.

Gần 11 giờ, tại một công trình xây dựng khách sạn ở khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm), tổ thợ gồm 15 người do ông Lê Liêm (huyện Diên Khánh) làm cai thầu cũng đang hì hục xây, tô. Đôi bàn tay chai sạn, nước da ngăm đen vì nắng, ông Nguyễn Văn Nhân (huyện Diên Khánh) cho biết: “Hầu hết anh em ở đây đều không có bằng cấp, từ đi làm phụ hồ, học hỏi kinh nghiệm người đi trước, rồi dần lên làm thợ xây chính. Biết rằng công việc khó nhọc, nguy hiểm, nhưng giờ chúng tôi không biết chuyển sang làm công việc gì”.

Nghề xây dựng tưởng chỉ hợp với đàn ông nhưng tại nhiều công trình, không khó bắt gặp bóng dáng của những phụ nữ. Vừa chuyển xong 200 viên gạch lên tầng 2, bà Nguyễn Thị Chi (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) quay sang rạch đôi bao xi măng cho vào máy để trộn mẻ vữa mới. Công việc cứ thế liên tục, không ngừng nghỉ để đảm bảo đủ vữa, gạch cho 5 thợ xây làm việc liên tục không bị đứt quãng. “Nghề này cực nhọc, nhưng bù lại mỗi ngày tôi cũng kiếm được 320.000 đồng, đủ lo cho 2 con ăn học. Công việc phụ hồ bây giờ có máy trộn, máy tời nên việc chuyển gạch, xách vữa cũng đỡ tốn sức hơn. Thế nhưng, sau mỗi ngày làm việc, về tới nhà là tay chân tôi rã rời…”, bà Chi chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Chi luôn tay trộn vữa để kịp cho thợ xây tô trát.

Bà Nguyễn Thị Chi luôn tay trộn vữa để kịp cho thợ xây tô trát.

Quyền lợi bị bỏ quên?

Công việc của những công nhân xây dựng nhọc nhằn là thế, nhưng hầu hết họ đều không có bảo hiểm hay hợp đồng lao động với công ty, tất cả đều chỉ là những giao kèo bằng miệng và trả lương hàng tuần nên không có sự ràng buộc. Không tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nên khi gặp tai nạn đáng tiếc, chủ thầu chỉ hỗ trợ một phần chi phí, còn lại họ phải tự lo. Ông Nguyễn Văn Nhân tâm sự: “Chúng tôi cũng rất muốn được tham gia đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để khi về già có lương hưu và các chế độ phúc lợi khác, tránh tạo gánh nặng cho con cháu, xã hội. Thế nhưng, nhiều lần anh em đề xuất nguyện vọng với công ty nhưng họ chỉ hứa sẽ giải quyết cho qua chuyện. Đến nay đã hơn 10 năm, nguyện vọng chính đáng ấy của chúng tôi dường như bị bỏ quên”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các công ty xây dựng chỉ ký hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ bảo hiểm dành cho nhân viên làm việc ở văn phòng, hành chính và một số làm công tác kỹ thuật, thiết kế. Với những công nhân xây dựng trực tiếp ở công trường, các doanh nghiệp (DN) không ký hợp đồng mà lách luật theo hình thức giao khoán công việc. Mỗi công ty xây dựng đều có đội xây dựng riêng, nhưng không ký hợp đồng nên không tham gia các loại bảo hiểm và các chế độ khác cho công nhân xây dựng. Để thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm, những công nhân xây dựng này vẫn phải ký vào các chứng từ, thủ tục của DN. Chỉ đến khi các ngành chức năng phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin thì mới phát hiện ra có hàng chục nghìn lao động trong lĩnh vực xây dựng đang bị bỏ quên tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện các chế độ, phúc lợi hợp pháp khác.

Không chỉ dầm mưa, dãi nắng, người thợ xây còn đối mặt với nhiều mối nguy hiểm tại các công trình xây dựng.

Không chỉ dầm mưa, dãi nắng, người thợ xây còn đối mặt với nhiều mối nguy hiểm tại các công trình xây dựng.

Lãnh đạo BHXH tỉnh cho biết, pháp luật quy định rõ, lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, qua số liệu quyết toán thuế thu nhập hàng năm, hiện toàn tỉnh còn 1.666 đơn vị, DN chưa tham gia BHXH cho gần 15.500 lao động, trong đó có hơn 6.900 lao động đã được đơn vị thu BHXH nhưng chưa nộp cho cơ quan BHXH. Đồng thời, qua rà soát dữ liệu, hiện có 1.283 đơn vị liên quan đến lĩnh vực xây dựng có quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm, với hơn 15.300 lao động cư trú có hợp đồng lao động chưa tham gia BHXH. Như vậy, số lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng bị DN bỏ quên tham gia BHXH là rất lớn.

Cần giải pháp căn cơ

Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết, các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thường tìm cách không ký hợp đồng lao động để không tham gia BHXH cho người lao động (NLĐ) với lý do chỉ thuê lao động thời vụ, theo từng gói thầu của công trình, trả tiền công theo danh sách thông qua người đại diện (cai thầu), làm việc không đủ 14 ngày công… khiến việc tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quyền lợi của NLĐ khi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình làm việc không được giải quyết. Ngoài ra, khi NLĐ chuyển đến công ty khác làm việc cũng sẽ không chốt được BHXH, quyền lợi “bị treo” và không được giải quyết các chế độ liên quan đến BHXH. Đặc biệt là mất đi quyền được thụ hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động đối với NLĐ không tham gia BHXH. Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ đổi mới, đa dạng công tác tuyên truyền pháp luật cho NLĐ và DN. Trong đó, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 05, ngày 12-7-2024 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2024 - 2025; thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các DN chưa tham gia đầy đủ BHXH cho NLĐ; tham mưu cho địa phương các tiêu chí đánh giá, rà soát việc chấp hành, tham gia BHXH cho NLĐ của các nhà thầu có dự án đầu tư trên địa bàn.

Theo một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua những lần kiểm tra, sở đều nhắc nhở các DN xây dựng thực hiện các quyền lợi cho NLĐ nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện. Do đó, thời gian tới, sở sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra các DN về việc ký kết hợp đồng lao động và các quy định khác nhằm đảm bảo lao động xây dựng được tham gia BHXH bắt buộc và hưởng các chế độ, phúc lợi khác; đồng thời sẽ xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm hoặc cố tình né tránh. Sở cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh cho dừng hoạt động xây dựng đối với những DN không thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm cho NLĐ. Còn lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, sẽ nghiên cứu vận động thành lập Nghiệp đoàn Thợ xây dựng để chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.

PHÚ AN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202408/cong-nhan-xay-dung-mong-duoc-bao-dam-quyen-loi-e3d1585/