Doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông: Tăng tốc cho đơn hàng cuối năm

Số lượng đơn hàng cho những tháng cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang ráo riết tuyển dụng lượng lớn công nhân để mở rộng sản xuất

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức. Ảnh: U.P

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức. Ảnh: U.P

Thiếu lao động phổ thông trầm trọng

Sau đợt phải cắt giảm hơn 9.500 lao động hồi đầu và giữa năm ngoái vì khó khăn về đơn hàng, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) phải tuyển dụng hàng trăm lao động phổ thông (không yêu cầu kinh nghiệm) để phục vụ cho các đơn hàng mới. Chính sách tuyển dụng với 8 chế độ phúc lợi hấp dẫn như: Hỗ trợ bữa ăn, trợ cấp nuôi con, tổ chức công đoàn, trợ cấp thôi việc, y tế miễn phí, xe đưa đón, thưởng lương tháng 13 và bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, công ty này có lớp học miễn phí nâng cao ngoại ngữ và vi tính hoặc các tay nghề khác, chế độ tăng lương hàng năm và nhiều cơ hội thăng tiến… Tuy nhiên, hiện công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng lao động cần thiết, đặc biệt lao động có tay nghề càng khó tuyển.

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) mở thêm 4 chuyền may. Vì đó công ty phải liên tục tuyển công nhân. Song, đến nay công ty vẫn còn thiếu khoảng 100 lao động. Để thu hút đủ công nhân, công ty tuyển cả người lớn tuổi, miễn có tay nghề và đủ sức khỏe làm việc. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu, ngoài lương sản phẩm, người lao động còn được công ty hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng.

Công ty Cổ phần Việt Hưng (Quận 12, TPHCM) đã mở sẵn dây chuyền, có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 180 công nhân để vào làm việc ngay. Công ty chỉ tổ chức tăng ca tối đa 2 ngày/tuần, mỗi ngày chỉ tăng ca 3 tiếng. Tiền lương của công nhân là 9 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân 11 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công nhân cũng được hưởng nhiều phúc lợi, thưởng trong các dịp lễ 30/4, 2/9, Tết…

Trong khi đó, tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), hàng loạt công ty đăng tuyển lao động với số lượng từ vài chục đến hàng trăm người. Ngoài thu nhập từ lương và các chế độ phúc lợi ngày lễ, tết, nhiều doanh nghiệp còn đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như tăng phụ cấp đi lại, xe đưa đón và miễn phí cơm trưa, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền chuyên cần, tổ chức khám sức khỏe, tham quan du lịch hàng năm…

Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP quốc tế Dony (huyện Bình Chánh) cho hay, tình hình đơn hàng may mặc đang rất tốt. Dự báo, từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025 sẽ xuất hiện tình trạng “thúc” đơn hàng từ các đối tác, công ty có thể sẽ phải tuyển thêm nhiều lao động thời vụ để đáp ứng nhịp sản xuất của các đơn hàng.

 Công nhân tìm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TPHCM). Ảnh: U.P

Công nhân tìm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TPHCM). Ảnh: U.P

Tăng kết nối cung - cầu

Báo cáo tình hình việc làm tháng 7 của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy, thị trường lao động thành phố đang tồn tại nghịch lý lớn là người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều, nguồn lực lao động lớn nhưng doanh nghiệp lại khó tuyển dụng. Cụ thể, trong tháng 7, các doanh nghiệp muốn tuyển 4.527 vị trí việc làm lao động phổ thông (chiếm 52% tổng nguồn cầu) nhưng chỉ có 942 người tìm công việc này (chiếm 26,08% tổng nguồn cung).

Nguyên nhân chính là do cung cầu thị trường chưa gặp nhau. Hầu hết lao động tìm việc là lao động có trình độ, rất ít người tìm công việc phổ thông. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại đa số là lao động phổ thông.

Trong tháng 8, trên chuyên trang của đơn vị này đã ghi nhận trên 3.600 người đang tìm việc và khoảng 8.650 công việc cần tuyển dụng. Trong đó, những vị trí việc làm có nhu cầu tuyển nhiều lao động là lao động phổ thông tại các doanh nghiệp lĩnh vực da giày, may mặc, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ uống…

Tình trạng trên càng rõ nét hơn qua thống kê 6 tháng đầu năm 2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI). Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần tuyển tới 20.951 lao động phổ thông (chiếm 13,21% tổng nguồn cầu) nhưng chỉ có 564 lao động phổ thông tìm việc (chiếm 0,71% tổng nguồn cung).

Trước tình hình này, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, từ nay đến cuối năm trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để các doanh nghiệp tìm kiếm được ứng viên phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất tại doanh nghiệp; người lao động thì tìm kiếm được việc làm phù hợp với nhu cầu, năng lực, trình độ của bản thân.

“Dù tình hình kinh tế có khởi sắc nhưng hiện nay các doanh nghiệp ngành dệt may cũng chưa dám mở rộng quy mô như thời điểm trước dịch vì cũng chưa cảm thấy thực sự an toàn. Họ cũng đang nghe ngóng tình hình bầu cử ở Mỹ sắp tới để có quyết sách kinh tế rõ ràng hơn, cộng thêm với tình hình các đơn đặt hàng ở Bangladesh có sự chuyển dịch qua Việt Nam mạnh mẽ hay không thì mới tính toán đầu tư mở rộng sản xuất thêm”, ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty Cổ phần quốc tế Dony nói.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doanh-nghiep-tuyen-lao-dong-pho-thong-tang-toc-cho-don-hang-cuoi-nam-post700522.html