Công phu điểm huyệt: Truyền thuyết và sự thật
Điểm huyệt nhẹ thì bị thương, nặng có thể làm chết người, ngoài ra còn có thể phong bế huyệt đạo khiến con người không thể cử động được, nhưng liệu điểm huyệt có thực sự tồn tại hay không vẫn luôn là điều gây tranh cãi…
Truyền thuyết về điểm huyệt
Trong nhiều tiểu thuyết võ thuật và phim kungfu của Trung Quốc đều có những mô tả về sự huyền diệu của điểm huyệt. Những người bị điểm huyệt nặng thì bị chết, nhẹ thì bị thương; ngoài ra còn có thể phong bế huyệt đạo khiến con người không thể cử động được.
Ngoài ra còn có các mô tả về các kỹ thuật giải huyệt khác nhau. Do kỹ xảo bí mật và sức mạnh gây chết người của điểm huyệt, trong đời sống thực, rất khó để có được bằng chứng trong các vụ án, nên nhiều người bị hại thậm chí còn không biết rằng họ đã bị người khác điểm huyệt.
Khi kẻ điểm huyệt ra tay, họ thường chọn lúc nạn nhân không đề phòng. Ví dụ, khi bắt tay người khác, kẻ điểm huyệt chỉ cần đặt nhẹ ngón tay cái lên hổ khẩu của đối phương hoặc đặt ngón trỏ lên mạch môn của đối phương là đã hoàn tất việc điểm huyệt. Ðồng thời còn có cách hạ thủ bằng cách “vỗ vai hỏi đường”.
Trong giới điểm huyệt, có một số người thuộc loại “tâm thuật bất chính, phẩm hạnh bất đoan”. Họ yêu cầu đồ đệ âm thầm ra tay với người khác, sau đó tìm cách thuyết phục nạn nhân đến nhờ họ giải huyệt, để thu phí điều trị với số tiền lớn. Những trường hợp như thế không phải là hiếm thấy.
Nhiều bậc đại sư điểm huyệt trong dân gian thực ra chỉ biết điểm huyệt, nhưng không biết giải huyệt. Có một câu nói phổ biến trong giới điểm huyệt: “Ðiểm huyệt nhất nhật vi sư, giải huyệt thiên nhật vi đồ” (Một ngày điểm huyệt đã là thầy, giải huyệt một ngàn ngày vẫn là trò). Có thể thấy, độ khó của việc giải huyệt lớn hơn rất nhiều so với điểm huyệt.
Trong các tiểu thuyết võ hiệp thường mô tả rằng các huyệt đạo có thể được mở khóa (giải) chỉ bằng một cú chạm, điều này là rất không thực tế. Nói chung, sau khi giúp một người giải huyệt, đương sự không thể phục hồi ngay lập tức, cần phải phối hợp với một số bài thuốc Ðông y để điều khí, dưỡng huyết mới có thể từ từ chữa khỏi được.
Chuyện của cao nhân điểm huyệt
Ở Bình Hương, tỉnh Giang Tây, có một cao thủ về điểm huyệt tên là Tạ Khởi Bình. Kỹ năng điểm huyệt của ông được coi là lão luyện và tuyệt vời. Ông từ nhỏ đã luyện tự môn điểm huyệt, một trong những kỹ năng kungfu lâu đời nhất ở Giang Tây.Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo, Tạ Khởi Bình cho biết, trước, sau khi học thành nghề, ông đã đi khắp nơi tìm người thách đấu nên nhiều lần bị thương nặng.
Lần nghiêm trọng nhất là ở Thiều Quan, Quảng Ðông. Hôm đó, ông tìm đến một cao nhân cái bang (băng đảng ăn xin) ở địa phương để tỷ thí, nhưng bị đối phương dùng ngón tay cái bấm vào xương ngực khiến ông thổ ra rất nhiều máu. Từ đó về sau, ông buông bỏ việc rong ruổi chinh chiến khắp nơi, chỉ dốc lòng chuyên tâm nghiên cứu võ thuật, nên mới có được thành tựu điểm huyệt ngày nay.
Sau khi chuyên mục Tin tức cuộc sống của Ðài truyền hình Giang Tây phát sóng chương trình điểm huyệt của Tạ Khởi Bình, rất nhiều khán giả đã gọi điện nhờ ông giúp giải huyệt. Một trong số họ, bà Lưu, cho biết sau khi bị kẻ xấu điểm huyệt hơn 20 năm trước, bà trở nên khó thở, hàng ngày đi cầu thang lên lầu cứ vài bước phải dừng lại để nghỉ vì mệt không thở được. Suốt nhiều năm, bà đi khắp nơi cầu thầy chữa bệnh đều không có kết quả.
Thông qua những người làm chương trình truyền hình bà tìm đến gặp ông Tạ Khởi Bình. Sau khi quan sát kỹ đôi mắt của bà Lưu, ông chỉ ra vị trí bị đả thương của bà là ở hõm vai trái và nói đã bị điểm huyệt từ rất lâu. Sau đó, ông bắt đầu giải huyệt. Ông ấn vào lưng, ngực, bụng dưới, cổ họng và các bộ phận khác của bà, động tác rất nhịp nhàng, “hành vân lưu thủy”. Sau khi việc giải huyệt kết thúc, bà Lưu nói với phóng viên rằng bà cảm thấy cổ họng của mình như được bỏ nút chặn và việc thở dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Tranh cãi về điểm huyệt
Ðiểm huyệt thần kỳ và bí ẩn như vậy, nhưng liệu điểm huyệt có thực sự tồn tại hay không vẫn luôn là điều gây tranh cãi, ít nhất là cho đến nay không có báo cáo kiểm nghiệm khoa học nghiêm ngặt đáng tin cậy nào về kỹ năng này. Sự miêu tả khoa trương về điểm huyệt trong các tiểu thuyết võ hiệp càng làm tăng thêm sự bí ẩn của nó.
Trong nhiều tác phẩm võ hiệp, điểm huyệt thường được chia thành võ thuật và y thuật. Trong võ thuật người ta lại chia ra điểm huyệt chạm thân và điểm huyệt khí công cách thân. Ðiểm huyệt y thuật là giấu thuốc đã được tinh luyện để làm tê liệt các huyệt đạo trong móng tay rồi đưa vào cơ thể đối phương qua tiếp xúc với da. Nhưng cái gọi là “cách không điểm huyệt” nói chung được cho là không có cơ sở.
Cơ sở lý luận của điểm huyệt: kinh lạc và bản thân các huyệt đạo, vẫn còn là một vấn đề cần được khẳng định trong khoa học hiện nay, nhiều lời đồn đại về sự thần kỳ của điểm huyệt khiến người ta nghi ngờ tính xác thực của nó.
Võ sư Trung Quốc nổi tiếng Triệu Ðạo Tân (1907 – 1990) từng bày tỏ nghi ngờ. Ông viết: “Theo như tôi biết, không có bậc thầy điểm huyệt hay kỹ thuật điểm huyệt nào được xác định và chứng nhận một cách chặt chẽ. Giả sử lý thuyết về điểm huyệt là đúng, thì khi mọi người đang đánh nhau hoặc trong một cuộc tỉ thí, chắc chắn phải có khả năng vô tình đánh trúng huyệt đạo một cách cố ý hoặc vô ý. Tôi theo nghiệp quyền cước cả đời ... Trong vô vàn trận giao tranh, tôi đã vô tình tạo ra rất nhiều cơ hội điểm huyệt; thế nhưng bất kể là kinh nghiệm trực tiếp hay kinh nghiệm gián tiếp, không một sự kiện nào có thể chứng minh được sự tồn tại của điểm huyệt”.