Công Phượng - Văn Toàn: Cặp tiền đạo nội đáng chờ đợi nhất V-League 2021
Khi các tiền đạo nội đang gặp khó trong việc cạnh tranh vị trí ở CLB, bộ đôi Văn Toàn - Công Phượng có thể nổi lên như điểm sáng hiếm hoi.
Vấn đề tiền đạo nội ít được trọng dụng ở V-League, thực tế đã tồn tại trong gần hai thập kỷ qua. Các đội bóng tham dự sân chơi này, dù yếu hay mạnh, đều ưu tiên sử dụng cầu thủ ngoại cho vị trí tấn công.
Mùa giải 2021 không phải ngoại lệ, khi Hà Nội FC, CLB TP.HCM, CLB Viettel, SHB Đà Nẵng hay Becamex Bình Dương đều tân trang những "khẩu pháo" quốc tế hạng nặng trên hàng công. Chỗ đứng cho tiền đạo Việt Nam càng bị thu hẹp. Khi ấy, HAGL của Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn có thể trở thành ngoại lệ hiếm hoi.
Công Phượng - Văn Toàn tái hợp
Sau hai năm, Công Phượng mới trở lại HAGL để tái hợp đồng đội. Tiền đạo xứ Nghệ thi đấu cho 3 đội bóng trong giai đoạn này, nhưng chỉ thành công ở CLB TP.HCM. Trong màu áo đội chủ sân Thống Nhất, Công Phượng ghi 6 bàn (trung bình 0,5 bàn/trận), là chân sút nội tốt nhất.
Mùa giải gần nhất khoác áo đội bóng phố Núi, Công Phượng có 12 bàn, chỉ đứng sau Nguyễn Tiến Linh trong danh sách làm bàn của tiền đạo nội. So với hai năm trước, Công Phượng hiện tại toàn diện và tiết chế hơn trong lối chơi. Va vấp trong những chuyến xuất ngoại cùng việc liên tục thay đổi môi trường đã giúp tiền đạo xứ Nghệ trưởng thành.
Trở lại HAGL, Công Phượng như "hổ về rừng". Cầu thủ sinh năm 1995 sẽ thi đấu với những đồng đội đã rất thông hiểu cách di chuyển của mình như Văn Toàn, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh hay Trần Minh Vương.
Trong trận giao hữu dưới sự chỉ đạo của HLV Kiatisak Senamuang, Công Phượng chưa ghi bàn, bỏ lỡ một số cơ hội, nhưng vẫn để lại tín hiệu tích cực khi chơi xông xáo, chịu khó phối hợp với các vệ tinh xung quanh. Kiatisak khẳng định: HAGL có tiền đạo tốt, vấn đề là khả năng dứt điểm. Cải thiện được khâu này, HAGL sẽ có hàng công đáng gờm.
Bởi không riêng Công Phượng, Văn Toàn đã tiến bộ vượt bậc. Chỉ chơi cho HAGL, nhưng cũng giống Công Phượng, Văn Toàn phải thích nghi khi đội bóng phố Núi liên tục thay đổi tiền đạo, từ Wagner Ribeiro, Rimario Gordon đến Chevaughn Walsh.
Không có Công Phượng, Văn Toàn cô đơn trên hàng công, bởi tiền đạo ngoại của HAGL chỉ trụ lại Pleiku cùng lắm đến... 2 mùa giải.
Dù vậy, biến động nhân sự cùng giai đoạn khó khăn đã tôi luyện cho Văn Toàn khả năng độc lập tác chiến. Tiền đạo gốc Hải Dương chỉ nghỉ 9 trận ở HAGL trong 6 năm qua.
Anh ghi 9 bàn ở mùa giải 2019, thể hiện tầm ảnh hưởng trong lối chơi nhờ tốc độ, sự lắt léo và có không ít pha làm bàn ấn tượng. Mùa 2020, Văn Toàn ghi 5 bàn, nhưng vẫn là một trong những người đá nổi trội nhất.
Sự tái hợp của đôi bạn Công Phượng - Văn Toàn, do đó, sẽ rất lý tưởng trên lý thuyết. Vấn đề nằm ở hệ thống chiến thuật của HLV Kiatisak.
Nhiều năm qua, HAGL không tránh được xu hướng dùng tiền đạo ngoại ở V-League, song đội bóng này vẫn đặt trọng tâm tấn công lên đôi chân cầu thủ nội. 12 bàn của Công Phượng ở mùa 2018 hay 9 bàn của Văn Toàn ở mùa 2019 là hệ quả của cách dùng người này.
Ở sân Pleiku, tiền đạo ngoại chỉ đóng vai trò phụ. Washington Brandao, tiền đạo ghi không quá 7 bàn/mùa suốt sự nghiệp, càng khó trở thành mũi nhọn ghi bàn của HAGL mùa tới. HLV Kiatisak nhiều khả năng sẽ tạo đất diễn cho Văn Toàn và Công Phượng tỏa sáng.
Với chiến lược gia có tư tưởng phóng khoáng như "Sắc", bộ đôi của HAGL sẽ có cơ hội áp sát khung thành nhiều hơn, thay vì phải lùi sâu và rơi vào tình trạng đói bóng như dưới thời Lee Tae Hoon hay Chung Hae Seong.
Tiền đạo nội gặp khó
Tuy nhiên, không phải tiền đạo nội nào cũng có bệ phóng thuận lợi như Công Phượng, Văn Toàn. Các đội bóng cạnh tranh vô địch mùa này đều sở hữu những cây làm bàn ngoại đáng gờm.
Hà Nội FC có bộ đôi Geovane Magno và Bruno Cunha. Viettel có Pedro Paulo và Venancio Caique. CLB TP.HCM "tậu" bộ đôi ngoại binh Dario Frederico và Joao Paulo. SHB Đà Nẵng mua Rafaelson và Hedipo Gustavo. Ngay cả tân binh như Bình Định cũng phải nhanh tay mang về Rimario.
Tiền đạo ngoại sẽ tiếp tục là xu hướng trong nhiều năm tới. Việc cầu thủ ngoại được trọng dụng là do ghi bàn nhiều hay ngược lại cũng giống chuyện "con gà có trước hay quả trứng có trước".
Nhưng phải thừa nhận, các ngoại binh có nhiều lợi thế so với tiền đạo Việt Nam, ít nhất ở khâu thể hình, thể lực hay không chiến. Do đó, các CLB sẵn sàng chi tới 200 triệu đồng/tháng để trả cho tiền đạo ngoại, gấp 10 lần mức lương cầu thủ nội.
HLV Park Hang Seo cho rằng nếu không có cơ chế để bắt buộc các đội dùng cầu thủ trẻ, các học trò của ông sẽ còn lép vế. Ngoài Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh, Công Phượng hay Văn Toàn, những tiền đạo khác đơn giản là không có cơ hội.
Đơn cử như Hồ Tuấn Tài, cầu thủ ghi 5 bàn cho SLNA mùa 2020, nhưng sẽ có rất ít cơ hội ra sân ở CLB TP.HCM do đội bóng này đã trả không dưới 15 tỷ đồng để mua về bộ đôi chân sút ngoại. Những tiền đạo khác như Nguyễn Việt Phong, Trần Danh Trung, Lê Xuân Tú, Nguyễn Xuân Nam,... đều phải chấp nhận vai phụ.
Cuộc chạy đua thành tích khốc liệt khiến các CLB không thể mạo hiểm. Hoặc tiền đạo nội phải xuất sắc đột biến để cạnh tranh, hoặc các CLB chấp nhận hy sinh một phần lợi ích. Nếu không, chuyện ghi bàn ở V-League vẫn thuộc về những ngoại binh hàng hiệu.
Theo cựu trợ lý Lê Quốc Vượng của CLB Hải Phòng, muốn tiền đạo nội ghi bàn nhiều, hãy trả họ mức lương như cầu thủ ngoại.
"Nếu tiền đạo Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng được, mức lương của các em phải tương đương với cầu thủ ngoại. Điều đó có hai mặt. Bóng đá là môn chơi tập thể. Các em đá được tiền đạo thì lương phải như cầu thủ ngoại. Các nền bóng đá khác đều thế.
Với tiền đạo, trạng thái thi đấu, tâm lý, cảm giác ghi bàn rất quan trọng. Có những người ghi bàn liên tục. Nếu tiền đạo được đá quen thì trạng thái thi đấu và cảm giác thi đấu sẽ tốt hơn", Quốc Vương phân tích.
Ở V-Leauge 2020, không tiền đạo nội nào ghi quá 6 bàn. Tổng số bàn của Công Phượng, Đức Chinh và Tiến Linh là 15, chỉ nhỉnh hơn một mình tiền đạo Pedro Paulo trong màu áo Sài Gòn FC.