Công tác an toàn vệ sinh lao động tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức

Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết trong năm 2024, số vụ TNLĐ, số người bị nạn và số sự cố nghiêm trọng đều có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại so với năm 2023. TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Phước, Long An, Thái Bình… là những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất

Theo báo cáo của Cục Việc làm, công tác an toàn, vệ sinh lao động đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tổng hợp báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2024, toàn quốc xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động, tăng 892 vụ so với năm 2023, làm 8.472 người bị nạn, tăng 919 người. Số liệu này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó, có 675 vụ tai nạn lao động chết người, tăng 13 vụ so với năm 2023; số người tử vong là 727 người, tăng 28 trường hợp; 1.690 người bị thương nặng, giảm 30 người.

Năm 2024, toàn quốc xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động, tăng 892 vụ so với năm 2023

Năm 2024, toàn quốc xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động, tăng 892 vụ so với năm 2023

Ông Nguyễn Vân Yên - Trưởng phòng Kiểm tra và Quản lý rủi ro (Cục Việc làm) cho rằng: Điều đáng lo ngại là tai nạn lao động tăng cả số vụ và số người ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động và nguyên nhân được chỉ ra là: "Số vụ và số người bị tai nạn lao động tăng cả số người là số vụ ở cả 2 khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị doanh nghiệp không xây dựng biện pháp và phê duyệt các phương án về an toàn lao động. Công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chưa liên tục và chưa tại chỗ, thường là mang tính đối phó, chưa thực chất là không sát với nhiệm vụ của người lao động. Công tác quản lý, kiểm định, kiểm tra quản lý đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn ở các đơn vị cũng chưa được tốt. Việc xây dựng các nội quy, quy trình cho các máy thiết bị này cũng chưa được đảm bảo. Một số tổ chức được chỉ định về công tác kiểm định huấn luyện nhưng đâu đó chưa thực hiện được tốt".

Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người, Bộ Nội vụ thống kê, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh thường xuyên xảy ra tai nạn lao động chết người là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, dịch vụ, dệt may và da giày. Các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động cao nhất năm 2024 (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động không có hợp đồng) là TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Phước, Long An và Thái Bình. Lý giải về việc vì sao các địa phương này có số người tử vong do tai nạn lao động cao nhất năm 2024, ông Nguyễn Vân Yên - Trưởng phòng Kiểm tra và Quản lý rủi ro (Cục Việc làm) phân tích: "Tại sao khu vực TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh tại sao lại xảy ra các vụ tai nạn lao động nhiều hơn thì chúng ta phải nhìn bức tranh toàn cảnh là TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai..tập trung những khu công nghiệp lớn. Những khu công nghiệp lớn thì có những doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động rất lớn thì số vụ tai nạn lao động không thể tránh khỏi. Thế còn các tỉnh, ví dụ như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La hay một số các tỉnh khác ít tập trung các khu công nghiệp, số lượng doanh nghiệp ít hơn thì tình hình tai nạn lao động sẽ xảy ra ít hơn.

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động trong năm 2024 (bao gồm chi phí thuốc men, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương...) ước tính trên 42.565 tỷ đồng, tăng khoảng 26.208 tỷ đồng so với năm 2023.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cong-tac-an-toan-ve-sinh-lao-dong-tai-viet-nam-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-post1191090.vov