Công tác bảo vệ môi trường được đầu tư và quan tâm hơn tại nhiều khu công nghiệp
Các KCN phát triển và mở rộng tại nhiều tỉnh thành đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là ngành sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nên đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm.
Là địa bàn có hoạt động khai thác than lớn nhất cả nước, Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường.
Cụ thể, TKV đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng những công trình băng tải giảm thiểu bụi, tiếng ồn; các hoạt động vận chuyển than được thực hiện trên các tuyến đường chuyên dụng theo quy định, không vận chuyển trên các tuyến quốc lộ. Các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, chuyển đổi từ dầu FO sang dầu DO; đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý khí bụi…
Thống kê cho thấy, hiện nay, 6/6 KCN trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, 4/5 Cụm công nghiệp cũng đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý theo quy định hiện hành. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đầu tư, quản lý và vận hành ổn định hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn.
Đến nay, đã có 167 trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hoạt động liên tục, chuyển tải trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Dương được xếp hạng là địa bàn hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 tại nước ta (sau TP HCM) thu hút được 4.041 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 39,4 tỷ USD. Với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, có thể thấy, quỹ đất hiện tại của các KCN tại Bình Dương đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, các dự án trong KCN đã bắt đầu áp dụng những giải pháp sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời áp mái, khí CNG thay than), sinh khối (biomass: Mùn cưa, viên nén trấu...) trong sản xuất, hay tuần hoàn tái sử dụng chất thải trong sản xuất. Hiện, tỉnh cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi KCN Bàu Bàng thành KCN sinh thái. Kết quả nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái, cũng như đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương hướng tới mục tiêu tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích KCN cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động.
Ghi nhận tại Long An cũng cho thấy, toàn tỉnh có 34 KCN được thành lập với tổng diện tích trên 9.250 ha, liên tục đón các dự án đầu tư mới. Chỉ tính riêng trong tháng 8, tỉnh này đón thêm 18 dự án. 11 trong số đó là vốn FDI. Công nghiệp phát triển nhanh đòi hỏi Long An có nhiều biện pháp quản lý, giám sát, giải quyết các bài toán về môi trường. Thời gian gần đây Long An luôn ưu tiên cho nhà đầu tư "xanh" nhằm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất.
Có thể thấy, ô nhiễm môi trường, không khí, thường chủ yếu tập trung tại các KCN cũ, do các KCN này đang xử dụng công nghệ lạc hậu hay chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải ra môi trường. Trong khi các KCN mới do được đầu tư công nghệ hiện đại, nên hệ thống xử lý nước thải ra môi trường được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, tất cả do ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp mà tình trạng ô nhiễm sẽ được cải thiện.