Công tác cải cách hành chính ở Trực Ninh

Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương, những năm qua, huyện Trực Ninh luôn quan tâm, chú trọng công tác cải cách hành chính. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương, những năm qua, huyện Trực Ninh luôn quan tâm, chú trọng công tác cải cách hành chính. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung về cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hiện đại hóa nền hành chính nhằm công khai, minh bạch, tạo thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cán bộ xã Trực Chính rà soát các thủ tục hành chính theo quy định.

Đồng chí Lưu Văn Dương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: “Hàng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch cải cách hành chính, đồng thời xác định những nội dung trọng tâm để tập trung thực hiện như: Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả phần mềm dịch vụ một cửa điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt văn hóa công sở; tăng cường công tác kiểm tra giờ làm việc...". Bên cạnh đó, UBND huyện giao các cơ quan, đơn vị chuyên môn kịp thời tham mưu UBND huyện ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản liên quan để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; tổ chức theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện. Đưa cải cách hành chính là chỉ tiêu thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cải cách hành chính... Đặc biệt, UBND huyện thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại các phòng, ban, xã, thị trấn để kịp chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về đơn giản hóa thủ tục hành chính, UBND huyện Trực Ninh đã tiến hành rà soát nhiều thủ tục ở cấp xã và cấp huyện. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ được chỉ đạo triển khai nhanh chóng, đồng bộ đến tận cơ sở. Huyện đã bố trí đủ số lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện đến xã đáp ứng mọi nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và công dân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính. Đến nay, tại Văn phòng UBND huyện và 100% các xã, thị trấn đều thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, trong đó quy định cụ thể về các loại công việc được áp dụng giải quyết tại cấp huyện và cấp xã. Tất cả các loại hồ sơ, thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch về quy trình, thời gian giải quyết, phí, lệ phí, phiếu giao nhận, phiếu báo xử lý chậm. Với cách làm đó, các loại giấy tờ, hồ sơ đưa đến đều được cán bộ, công chức, nhân viên bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” nhanh chóng tiếp nhận, thực hiện việc phân loại, thẩm định hồ sơ theo đúng quy định để chuyển đến các bộ phận chuyên môn giải quyết. Tỷ lệ giải quyết công việc và trả kết quả đảm bảo đúng quy trình, thời gian, đạt trên 90%. Cùng với đó, huyện Trực Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, tập trung xây dựng Cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điều hành, duy trì thư điện tử công vụ và dịch vụ chứng thư số, chữ ký số... Đến nay, huyện đầu tư mở rộng hệ thống mạng LAN tại Văn phòng UBND, HĐND huyện, 100% các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn; trang bị 230 máy tính cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn, đạt tỷ lệ trung bình 2,5 cán bộ, công chức/máy tính; 100% cán bộ trong cơ quan và cán bộ ở cấp xã sử dụng hòm thư điện tử công vụ để gửi, nhận và trao đổi các văn bản, giấy tờ, báo cáo...; ứng dụng các phần mềm chuyên ngành như: Quản lý công chức, viên chức; quản lý tài sản công; quản lý văn bản, phần mềm một cửa, quản lý người có công, quản lý đất đai và xây dựng trang thông tin điện tử của 21 xã, thị trấn... Đây là cơ sở để huyện Trực Ninh triển khai hiệu quả các phần mềm ứng dụng, bước đầu đưa trọn bộ thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hầu hết đạt mức độ 2 và từng bước nâng cấp một số thủ tục lên mức độ 3 và 4; gửi nhận hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cải cách hành chính ở huyện Trực Ninh vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Năng lực chuyên môn, kiến thức công nghệ thông tin của cán bộ, công chức xã, thị trấn còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc. Diện tích phòng làm việc, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một số xã, thị trấn chưa đảm bảo... Việc rà soát các thủ tục hành chính ở một số đơn vị còn mang tính thụ động, chưa rà soát chỉ ra được những bất hợp lý của các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo để kiến nghị cải tiến hoặc sửa đổi, bãi bỏ cho phù hợp. UBND các xã, thị trấn đều có bảng niêm yết công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tuy nhiên công tác kiểm soát thủ tục hành chính còn chưa được quan tâm đúng mức, một số đơn vị chưa cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc có nhưng chưa đầy đủ theo quyết định của UBND tỉnh. Hầu hết các xã, thị trấn chưa triển khai vận hành và cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của đơn vị mình. Để tạo đà cho cải cách hành chính thực sự hiệu quả, thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành để cải cách hành chính thực sự đem đến lợi ích cho người dân. Trong đó, huyện xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vi phụ trách. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do UBND huyện, UBND cấp xã ban hành; thực hiện rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa của huyện; tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, công khai, minh bạch thủ tục hành chính; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 26-10-2018 của UBND tỉnh. Thường xuyên chấn chỉnh, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước ở huyện và các xã, thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/201910/cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-o-truc-ninh-2533310/