Công tác dân vận của hệ thống chính trị chuyển biến tích cực

Sáng 19-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 19-CTr/TU, ngày 6-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 03-KL/TW, ngày 13-5-2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Cùng dự tại điểm cầu Tỉnh ủy có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng đại diện các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh.

Triển khai nhiều giải pháp

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Chương trình số 19-CTr/TU thời gian qua đã được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền cơ sở đã ban hành, triển khai thực hiện tốt kế hoạch công tác dân vận chính quyền hàng năm; chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, vừa tập trung phòng-chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống của người dân.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay: Trên cơ sở Quy chế công tác dân vận, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18-7-2017 về tăng cường công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp giai đoạn 2017-2021. Hàng năm, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đều xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, đồng thời cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch công tác dân vận chính quyền cụ thể cho từng năm theo quy định. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc tiếp xúc, đối thoại và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình “Nông hội” thời gian qua cũng là một trong những phương pháp mới trong công tác dân vận. Cụ thể, toàn tỉnh đã thành lập 86 mô hình “Nông hội” với tổng số 2.491 hội viên, trong đó có 940 hội viên dân tộc thiểu số, 353 đảng viên, 187 cán bộ, công chức cấp xã, 212 cán bộ thôn và 20 hộ kinh doanh tham gia. Riêng công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm thường xuyên. Đến nay, tất cả xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống “Một cửa điện tử”; 16/17 huyện, thị xã, thành phố và 14/220 xã, phường, thị trấn đã chuyển giao bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính sang bưu điện.

Đề cập đến kết quả thực hiện quy chế công tác dân vận trên địa bàn thành phố, ông Trần Xuân Quang-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku-cho biết: “Thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó kịp thời chỉ đạo cơ sở tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Thời gian qua, Nhân dân trên địa bàn đã tích cực góp công, góp sức và hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Đến nay, thành phố đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới và đạt đô thị loại I”.

Các đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng với địa phương trong công tác dân vận và xây dựng nông thôn mới. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh đã tăng cường 975 cán bộ cho công an xã, thị trấn, nhờ đó công tác xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" cùng với công tác dân vận được quan tâm chỉ đạo kịp thời”.

Đề cập đến vấn đề này, Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-thông tin: “Đảng ủy Quân sự tỉnh đã đưa nội dung lãnh đạo LLVT tham gia xây dựng nông thôn mới vào Nghị quyết số 15-NQ/ĐU, ngày 14-7-2017 về lãnh đạo, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của LLVT tỉnh trong tình hình mới. Từ năm 2016 đến nay, LLVT tỉnh đã phối hợp với các địa phương giúp 166/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới ở chỉ tiêu 19.1 (đạt 91%); tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 16 làng nông thôn mới; giúp 63/98 hộ thoát nghèo bền vững”. Tương tự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng có nhiều chương trình, mô hình cụ thể như: “Nâng bước em đến đến trường”, “Bếp ăn tình thương”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”…

Tăng cường đối thoại với Nhân dân

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng thời gian qua đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Đồng thời, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho hay: Thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức hàng trăm lượt giám sát với nhiều nội dung thiết thực nhằm phát hiện, kịp thời kiến nghị, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng thường xuyên hướng dẫn Mặt trận cơ sở tham gia tổ chức tốt công tác hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 1.756 tổ hòa giải với 8.780 hòa giải viên. 5 năm qua, các tổ hòa giải đã tiếp nhận hơn 3.000 vụ việc, trong đó, hòa giải thành hơn 2.600 vụ việc, thông qua đó góp phần tích cực trong hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gìn giữ đoàn kết trong nội bộ Nhân dân.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 19, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết và chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đã được nâng cao; hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, ít phát sinh những vụ việc phức tạp, không xảy ra điểm nóng trên địa bàn tỉnh. Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Quý Thọ-Phó Chánh Thanh tra tỉnh-nêu rõ: “Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp 19.178 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Qua đó, lãnh đạo UBND các cấp, các ngành đã tiếp nhận đơn, tiếp thu và ghi nhận những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để xem xét, giải quyết, trả lời theo thẩm quyền hoặc hướng dẫn công dân đến đúng cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Từ năm 2016 đến nay, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 1.544 đơn, trong đó đã xác minh, giải quyết các đơn thuộc thẩm quyền đạt 98,7%”.

Nêu lên một số kinh nghiêm trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tại địa phương, ông Huỳnh Minh Thuận-Bí thư Huyện ủy Chư Pưh-cho hay: “Chúng tôi luôn chú trọng đến công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, đặc biệt là tổ chức các buổi đối thoại chuyên đề để tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác dân vận, nhất là kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân vận”.

Liên quan đến hiệu quả công tác dân vận, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho rằng, mức độ hài lòng của người dân chính là thước đo về sự hiệu quả của công tác dân vận. Do đó, để công tác dân vận ngày càng đạt được hiệu quả cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân. “Khi giải quyết các kiến nghị của người dân thì thái độ của công chức phải thân thiện, nhiệt tình. Các chế độ chính sách mà người dân hưởng thụ phải được giải quyết kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng…”-ông Thảo nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Anh Huy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Anh Huy

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn khẳng định: Công tác dân vận được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ xác định là nhiệm vụ chiến lược trong trong sự nghiệp cách mạng và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thời gian gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thể hiện rõ tầm quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Đối với tỉnh Gia Lai, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 19, nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường; nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được xác định rõ hơn, đăc biệt là vai trò trung tâm của Ban Dân vận các cấp trong việc tham mưu đối với cấp ủy đã được phát huy.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế; do đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thời gian tới. Phối hợp quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình công tác dân vận sau Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, trong đó lưu ý đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng. Cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ trong Quyết định số 290-QĐ/TW, trên cơ sở đó tiến hành kiện toàn, nâng cao chất lượng, vai trò của cơ quan tham mưu nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận trong thời gian tới.

ANH HUY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12376/202110/cong-tac-dan-van-cua-he-thong-chinh-tri-chuyen-bien-tich-cuc-5754252/