Công tác giảm nghèo góp phần đưa Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc trung ương
Những thành công trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2022-2024 góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc trung ương.
A Lưới là một huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của toàn quốc năm 2024. Giờ đây, cơ sở vật chất hạ tầng ở huyện này đã được đầu tư khang trang; cuộc sống người dân được nâng lên. Đó là thành quả của nỗ lực giảm nghèo của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong thời gian qua.
Tỉ lệ hộ nghèo còn 1,4%
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 23-6-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã kịp thời ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 3-11-2021 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 11); đồng thời, chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt đến các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, cán bộ, công chức và người lao động.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 11 và Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư, cùng với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 11 đề ra cơ bản đạt và vượt. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách đặc thù về giảm nghèo bền vững đã có những tác động tích cực đến đời sống và tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Với những nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, đời sống của người nghèo và đặc biệt người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cùng với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh và các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhà đã góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) chung toàn tỉnh từ 4,93% vào cuối năm 2021, giảm còn 1,4 % vào cuối năm 2024.
Bình quân tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022-2024 (3 năm) giảm 1,18%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo Chính phủ và Tỉnh ủy giao 0,7-0,75%/năm, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả giảm tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh góp phần hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương kể từ ngày 1-1-2025.
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cơ bản đạt. Đến nay, ngoài việc huyện A Lưới thoát khỏi danh sách các huyện nghèo thì 3/7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 của Thừa Thiên - Huế đã được Thủ tướng quyết định công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; dự kiến đến cuối năm 2025, 4 xã còn lại được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 11 đề ra.
Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; 100% người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã; trưởng thôn, bản và các ban, ngành, đoàn thể thôn, tổ được tập huấn các kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.
Phấn đấu hộ nghèo còn dưới 1,2%
Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã đưa ra 10phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp giảm nghèo bền vững đến cuối năm 2025 và định hướng cho giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó, thứ nhất là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) và Nghị quyết 11, phấn đấu hoàn thành và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 toàn tỉnh còn dưới 1,2% vào cuối năm 2025; tỉ lệ hộ cận nghèo cuối năm 2025 giảm thấp hơn mức bình quân chung tỉ lệ hộ cận nghèo toàn quốc.
Tiếp đó làtăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp thực hiện của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Đồng thờitập trung chỉ đạo lồng ghép, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ưu tiên nguồn lực tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng huyện A Lưới để phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm tính bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 702/QĐ-TTg, ngày 22-7-2024.
Bên cạnh đó là tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nguồn lực từ các doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội nhằm thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm, hỗ trợ cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong năm 2025, tỉnh phấn đấu hoàn thành 3 nhiệm vụ là hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên. Theo nhu cầu thì có khoảng 2.233 nhà cần được hỗ trợ, trong đó xây nhà mới được hỗ trợ mức 60 triệu đồng/căn, sửa chữa nhà tạm là 30 triệu đồng/căn.
"Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo. Ban hành chính sách phát triển đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" - một trong những nhiệm vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đề ra.