Mảng bán dẫn và điện tử sẽ hút vốn từ Trung Quốc

Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào ASEAN đang chuyển hướng đến các ngành tăng trưởng cao như xe điện, bán dẫn và năng lượng tái tạo. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2025. Trong đó, Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế trung tâm đầu tư công nghệ cao và dự kiến hút vốn của Trung Quốc vào các lĩnh vực như điện tử và bán dẫn.

Nhà máy lắp ráp xe điện của BYD ở tỉnh Rayong, Thái Lan. Ảnh: Xinhua

Nhà máy lắp ráp xe điện của BYD ở tỉnh Rayong, Thái Lan. Ảnh: Xinhua

Vốn Trung Quốc xoay trục sang lĩnh vực sản xuất công nghệ cao

Trước năm 2018, thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu dâng cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào lĩnh vực bất động sản và dịch vụ tài chính ở ASEAN.

Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi mạnh mẽ, với vốn FDI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đổ vào lĩnh vực sản xuất của ASEAN tăng trưởng ở mức ấn tượng 33% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2023, lên con số 6 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, theo Nithin Chandra, đối tác của hãng tư vấn quản lý Kearney.

Tổng vốn FDI từ Trung Quốc vào ASEAN tăng đều đặn hàng năm và đạt 17,6 tỉ đô la Mỹ năm 2023, theo dữ liệu của Ban Thư ký ASEAN.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, có nhiều yếu tố thúc đẩy vốn FDI của Trung Quốc rót vào khu vực. Johnny Lim, đối tác và đồng chủ tịch bộ phận doanh nghiệp châu Á ở hãng luật Reed Smith cho biết, các thế mạnh giúp ASEAN thu hút FDI bao gồm tăng trưởng GDP nhanh chóng, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, nhu cầu tiêu dùng dựa trên số hóa cũng như lực lượng lao động tay nghề cao.

ASEAN cũng là trung tâm sản xuất hấp dẫn nhờ có nền tảng mạnh mẽ như dễ dàng tiếp cận nguyên liệu thô, chính sách thân thiện với kinh doanh, theo Chandra của Kearney.

Sự xoay trục chiến lược của Trung Quốc sang những ngành tăng trưởng cao của khu vực này phù hợp với xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, theo Mark Greeven, giáo sư chuyên ngành đổi mới và chiến lược ở Viện Quản lý phát triển quốc tế (Thụy Sĩ).

Sự chuyển hướng chiến lược trên không chỉ đa dạng hóa danh mục đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khu vực mà còn củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - ASEAN đạt mức 6.300 tỉ nhân dân tệ trong năm 2024, tính đến tháng 11, theo dữ liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc. Con số này tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN trong 11 tháng đầu năm đạt 3.700 tỉ nhân dân tệ, tăng hàng năm 12,7%. Trong khi đó, nhập khẩu từ ASEAN của Trung Quốc là 2.600 tỉ nhân dân tệ, tăng hàng năm 3%.

Phần lớn mức tăng trưởng vốn FDI của Trung Quốc sang ASEAN là do Bắc Kinh đào sâu quan hệ kinh tế với khu vực này nhằm giảm rủi ro trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nhiều chuyên gia dự đoán, xu hướng này sẽ duy trì trong năm tới, với các lĩnh vực như xe điện, bán dẫn và năng lượng tái tạo ở sáu thị trường lớn của ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc.

Vốn FDI của Trung Quốc chảy vào ASEAN tăng mạnh từ năm 2021 và đạt 17,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023. Đồ họa: Business Times

Vốn FDI của Trung Quốc chảy vào ASEAN tăng mạnh từ năm 2021 và đạt 17,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023. Đồ họa: Business Times

Năng lượng tái tạo và xe điện là mục tiêu đầu tư lớn

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009. Trong khi đó, ASEAN cũng vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020.

Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ được nâng cấp trong năm 2025 để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh.

Johnny Lim của hãng luật Reed Smith nhấn mạnh, năng lượng sạch và tái tạo cũng như xe điện và trữ năng lượng nằm trong số những ngành ở ASEAN sẽ thu hút vốn FDI từ Trung Quốc trong năm tới.

Sản xuất xe điện và chuỗi cung ứng liên quan là minh chứng rõ ràng về vốn đầu tư của Trung Quốc rót vào những ngành mới ở ASEAN. Hãng xe điện BYD của Trung Quốc đã đầu tư 490 triệu đô la để xây dựng nhà máy lắp ráp ở Thái Lan. Đây là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên của BYD ở ASEAN.

Trong bối cảnh thương mại Mỹ-Trung dâng cao, khu vực này cũng được xem là điểm đến thay thế trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng theo chiến lược Trung Quốc +1.

Dòng vốn FDI chảy vào ASEAN dự kiến càng mạnh mẽ hơn trong năm tới do cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế thêm 10% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử trước đây, ông Trump thậm chí đề xuất áp thuế cao đến mức 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và lên tới 20% đối với hàng hóa từ các đối tác thương mại còn lại.

Lim của Reed Smith cho rằng, nếu chính quyền mới của Mỹ triển khai kế hoạch áp thuế chống lại Trung Quốc, các nhà sản xuất đặt nhà máy ở Trung Quốc có thể tăng tốc chuyển dây chuyền sang ASEAN như là một phần của chiến lược Trung Quốc + 1.

Tuy nhiên, ông lưu ý, Mỹ có thể gia tăng giám sát xu hướng này, dẫn đến tình trạng bất ổn và căng thẳng thương mại lan truyền.

Chandra cho biết, trong khu vực ASEAN, Việt Nam dễ tổn thương nhất trước kế hoạch áp thuế của ông Trump. Điều này là do Việt Nam đóng góp tới 10% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico.

Mỗi nước ASEAN có thế mạnh riêng để thu hút vốn FDI

Trong năm tới, nhiều lĩnh vực quan trọng ở 6 thị trường ASEAN nói trên sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư Trung Quốc.

Đối với Singapore, các ngành như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, kỹ thuật chính xác sẽ thu hút phần lớn đầu tư của Trung Quốc.Theo Chandra, điều này là nhờ Singapore có thế mạnh về hạ tầng R&D, chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và lực lượng lao động kỹ thuật cao.

Malaysia có thể chứng kiến vốn đầu tư của Trung Quốc tăng lên ở lĩnh vực bán dẫn cũng như điện tử gia tăng giá trị trung bình đến cao. Trong khi đó, tại Thái Lan, lĩnh vực xe điện dự kiến tiếp tục hút vốn đầu tư của Trung Quốc.

Tại Indonesia, các lĩnh vực như năng lượng sạch, tài nguyêm thiên nhiên, hạ tầng, vận tải và sản xuất thực phẩm đóng gói được dự báo thu hút nhà đầu tư Trung Quốc. Lim lưu ý, các khoáng sản quan trọng đối với pin xe điện mà Indonesia có trữ lượng lớn như nickel và cobalt là mục tiêu đầu tư quan trọng theo sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế trung tâm đầu tư công nghệ cao và dự kiến hút vốn của Trung Quốc vào các lĩnh vực như điện tử và bán dẫn.

Trong năm tới, nhà đầu tư Trung Quốc có thể tăng cường rót vốn vào các án năng lượng tái tạo ở Philippines để tận dụng nguồn lực thiên nhiên dồi dào và chính sách hỗ trợ năng lượng sạch ở nước này.

“Những khoản đầu tư nói trên được thúc đẩy bởi các thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng, vị thế chiến lược của ASEAN cũng như chính sách hỗ trợ và thế mạnh lao động kỹ năng tương ứng của mỗi nước thành viên”, Johnny Lim, đối tác ở hãng luật Reed Smith nói.

Theo Business Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mang-ban-dan-va-dien-tu-se-hut-von-tu-trung-quoc/