Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đại thắng mùa Xuân 1975
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trải qua các chiến dịch quy mô lớn nối tiếp nhau, phối hợp với hoạt động nổi dậy của quần chúng, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp, giáng đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, song công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giữ vai trò quan trọng.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung xây dựng cho bộ đội tinh thần quyết tâm chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của các chiến dịch
Ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược với quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, đồng thời nhấn mạnh: Làm thật tốt công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân, động viên toàn quân, toàn dân nêu cao ý chí “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”...

Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi (ngày 30-4-1975). Ảnh tư liệu
Ngay trong tháng 1-1975, Tổng cục Chính trị đã phổ biến đề án công tác Đảng, công tác chính trị toàn quân, nêu rõ một số điểm mới của giai đoạn kết thúc chiến tranh và xác định 4 nhiệm vụ chính, gồm: Công tác tư tưởng đối với bộ đội, công tác cán bộ, công tác địch vận và công tác quản lý xây dựng vùng giải phóng; đề ra yêu cầu phải thường xuyên nắm vững và chủ động giải quyết về tư tưởng bộ đội, giữ vững và nâng cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, nâng cao lòng căm thù địch, phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Biện pháp thực hiện được xác định: Chú trọng phát huy mọi hình thức giáo dục tuyên truyền, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quyết tâm chiến lược của Trung ương. Căn cứ vào nhiệm vụ, tư tưởng quân sự chung và nhiệm vụ của từng chiến dịch, từng trận chiến đấu trong từng thời gian mà tuyên truyền giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị, bồi dưỡng tư tưởng quân sự, phương châm, phương thức và tư tưởng chỉ đạo tác chiến của từng chiến trường, quyết tâm giành thắng lợi cao nhất.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chung và nhiệm vụ của từng đơn vị để giáo dục, động viên bộ đội
Đầu tháng 3-1975, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị số 02/CT-H về công tác chính trị đối với các đơn vị ở chiến trường, nêu rõ nhiệm vụ chung và yêu cầu chính cần đạt được. Trong trận mở đầu ở Tây Nguyên, quán triệt nhiệm vụ được giao, công tác chính trị, tư tưởng đã xây dựng được ý chí quyết đánh thắng trận mở đầu, chuẩn bị hết sức chu đáo, công phu, khắc phục khó khăn để thực hiện đánh hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn mà vẫn giữ được bí mật, bất ngờ đến phút cuối cùng và đưa đến thắng lợi.
Tiếp đó, tận dụng thời cơ “một ngày bằng hai mươi năm”, đảng ủy các cấp đặc biệt chú trọng làm thông suốt phương châm tư tưởng chỉ đạo: “Tranh thủ thời gian cao độ, hành động táo bạo, bất ngờ”. Nhờ đó, các lực lượng của ta nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng ngự ở Trị Thiên-Huế và táo bạo thọc sâu, phá thế co cụm lớn của địch ở Đà Nẵng, cùng với quần chúng nổi dậy giải phóng và làm chủ cả một vùng chiến lược rộng lớn, đẩy địch vào thế suy sụp, bế tắc.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân địch cũng có những động thái chính trị nhằm tác động đến tâm lý, tư tưởng của bộ đội ta. Trước tình hình đó, lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và các cánh quân kịp thời chỉ đạo làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhanh chóng quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch: Tiếp tục tiến công theo kế hoạch với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.
Trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, các đơn vị còn tổ chức những buổi gặp mặt giữa cán bộ cấp trên với cán bộ cấp dưới, tổ chức họp mặt anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy; hội nghị lái xe, nhân viên kỹ thuật sửa chữa xe, pháo, khí tài, trang bị, vũ khí giỏi; hội nghị cán bộ và nhân viên kỹ thuật thông tin liên lạc... để động viên tinh thần phục vụ, vượt mọi khó khăn để làm tốt công tác chuyên môn, bảo đảm tốt cho cơ động lực lượng và tác chiến chiến dịch.
Tập trung giáo dục cho bộ đội tinh thần đoàn kết, triệt để chấp hành mệnh lệnh, kỷ luật trong chiến đấu hiệp đồng và kỷ luật dân vận, chấp hành các chính sách vùng giải phóng
Trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức các chiến dịch, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung giáo dục cho bộ đội tinh thần chấp hành nghiêm mệnh lệnh; xây dựng tinh thần đoàn kết, lập công tập thể, vì thắng lợi chung mà hành động. Nhờ vậy, trong các chiến dịch, đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta sử dụng lực lượng với hàng chục sư đoàn và nhiều trung đoàn, lữ đoàn cả bộ binh và binh chủng kỹ thuật tiến công trên 5 hướng, có những hướng địa hình chia cắt do nhiều sông rạch, sình lầy, qua nhiều cầu lớn hoặc phải tổ chức phà vượt sông, gây khó khăn trong cơ động, hạn chế tốc độ tiến công thần tốc vào thành phố. Nhưng với tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu, ở từng cánh, từng mũi, bộ đội chủ lực đã nhận được sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng vũ trang tại chỗ, của quần chúng nhân dân nên những vấn đề khó khăn trên đều được giải quyết. Các lực lượng đã bí mật chiếm và chốt giữ các cầu lớn để đón chủ lực vào nội đô; chỉ dẫn đường sá, mục tiêu đầu não của địch; huy động các loại phương tiện vận tải chuyển quân, chở đạn dược, lương thực... phục vụ yêu cầu tác chiến chiến dịch...
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn tập trung quán triệt cho bộ đội chấp hành tốt kỷ luật của công tác dân vận vùng mới giải phóng; vạch rõ những yêu cầu hết sức cụ thể đối với công tác dân vận. Điều đó đã góp phần nhanh chóng ổn định tình hình chính trị-xã hội ở các địa bàn, đời sống nhân dân sớm đi vào ổn định, xóa bỏ mặc cảm, hoài nghi với bộ đội và chính quyền cách mạng, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước sau giải phóng.
Đến nay, mặc dù đã qua 50 năm, song bài học về xây dựng và phát huy vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tá LÊ MẠNH TIẾN (Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng Việt Nam)