Bước phát triển lớn và nhiều thành tựu nổi bật
Sau 50 năm thống đất đất nước, 40 năm Đổi mới, văn hóa Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Trong nhiệm kỳ XIII, Đảng nhấn mạnh một trong những đột phát chiến lược giai đoạn 2021 – 2030 là 'phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội'. Đó là định hướng quan trọng để có những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Một tiết mục văn nghệ tại Chương trình nghệ thuật “Tự hào chiến sỹ Công an Hà Nam”. Ảnh: Hoa Hiên
Đảng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trung tâm là xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII, tháng 6/1998, về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mang tầm của một Cương lĩnh văn hóa trong thời kỳ Đổi mới khẳng định vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, đã đặt đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong những nhân tố phát triển, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Cương lĩnh cũng khẳng định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI, tháng 6/2014, Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước chỉ rõ sứ mệnh và mục tiêu của văn hóa: Xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại hội Đảng XIII xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Đại hội cũng xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”. Từng bước đưa những định hướng phát triển văn hóa của Đại hội XIII vào thực tiễn, ngày 12/11/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, tập trung trí tuệ của toàn Đảng, các tầng lớp trí thức, đại biểu nhân dân đã thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045, xác định tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trong quá trình Đổi mới, Nhà nước đã ban hành nhiều luật tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Thư viện, Luật Du lịch, Luật Thể dục, thể thao, Luật Lưu trữ. Nhiều chế độ, chính sách đặc thù như chính sách về hoạt động và hưởng thụ văn hóa, nhất là đối với vùng đồng bào các dân tộc, miền núi, hải đảo; chính sách về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; những chính sách khuyến khích và tôn vinh hoạt động sáng tạo; chế độ ưu đãi đặc thù đối với nghệ sĩ, học sinh các trường văn hóa nghệ thuật… đã được ban hành.
Những thành tựu lớn về văn hóa
Bức tranh tổng thể của văn hóa Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước, 40 năm Đổi mới đã mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động. Đảng khẳng định quan điểm văn hóa văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, Nhà nước có các chính sách khuyến khích nên đã huy động được tiềm năng, nguồn lực của nhiều lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển văn hóa. Chính điều này đã mang lại những chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa.
Các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống được phục hồi và tổ chức với sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân. Đời sống văn hóa ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều cải thiện. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, giúp đồng bào giữ gìn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết dân tộc mình. Sách báo và các ấn phẩm văn hóa phù hợp đã được đưa tới các bản làng. Các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ…) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai xây dựng gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Gần 100% số xã vùng dân tộc, miền núi đã có nhà văn hóa hoặc bưu điện văn hóa; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới với sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm văn hóa. Nhiều môn nghệ thuật truyền thống tuy gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi cơ chế nhưng vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều dự án sưu tầm, tư liệu hóa, số hóa di sản văn hóa được thực hiện. Nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hóa được sưu tầm, công bố tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, quan họ, ca trù, hát xoan, bài chòi…), các loại hình nghệ thuật hiện đại (ca, múa, nhạc, kịch, điện ảnh…) có bước tiến mới. Từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc sản xuất và lưu trữ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhận thức về quyền tác giả và quyền liên quan bước đầu được nâng cao và bảo hộ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đã hình thành tổ chức bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo; đã có đổi mới về quan niệm, về phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm lý luận, trường phái nghiên cứu văn học, nghệ thuật nước ngoài được giới thiệu tạo điều kiện nâng cao trình độ lý luận văn học, nghệ thuật trong nước.
Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam. Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết năm 2024, Việt Nam có khoảng 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê; trong đó có: 32 di sản thế giới gồm 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 09 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh. Nhà nước đã tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với 131 “Nghệ nhân nhân dân” và 1.619 “Nghệ nhân ưu tú”.
Giao lưu văn hóa từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Nhiều hiệp định văn hóa với các nước và nhiều tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế song phương và đa phương về di sản văn hóa, về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ký kết. Nhiều dự án, hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế đã gây được tiếng vang, tạo được ấn tượng tốt đẹp về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, quảng bá, giới thiệu đất nước, con người và lịch sử, truyền thống Việt Nam.
Tuy vậy, sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người vẫn còn những thách thức. Hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ cương vị cao, gây bức xúc xã hội. Nhiều vụ việc gây tác hại lớn, làm mất niềm tin của nhân dân. Hệ giá trị của con người Việt Nam đang có nhiều biến đổi, có những chiều hướng tiêu cực. Nhiều sản phẩm văn hóa không phù hợp với truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực tới thị hiếu, lối sống, đặc biệt nguy hiểm với thế hệ trẻ. Xu hướng xã hội hóa, phát triển thị trường văn hóa tạo nên sự đa dạng song cũng làm nảy sinh xu hướng thương mại hóa văn hóa, nghệ thuật (chỉ) vì lợi nhuận, phát sinh những mặt trái cần chấn chỉnh.
Định hướng phát triển văn hóa trong giai đoạn mới
Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ đặt những mục tiêu cụ thể cho đích đến năm 2030 với 11 nhiệm vụ và giải pháp. Trong Chiến lược này, những mục tiêu phát triển văn hóa được xác định cụ thể, toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng và thích ứng những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người. Đây là sự cụ thể hóa quan trọng đường lối của Đảng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.