Liên minh đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia làm nên thắng lợi vẻ vang
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong Đại thắng mùa xuân năm 1975, liên minh đoàn kết Việt Nam với Lào và Campuchia đã tạo nên sức mạnh chiến đấu và là một trong 3 tầng mặt trận để phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên thắng lợi.
Đoàn kết 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia có ý nghĩa sống còn
Ngay sau khi thực dân Pháp thất bại, Mỹ lập tức nhảy vào Đông Dương để xâm lược 3 nước trong một chiến lược chung, nhằm thực hiện kế hoạch toàn cầu phản cách mạng mà Mỹ đã hoạch định. Đế quốc Mỹ xem Việt Nam là địa bàn trọng điểm cần đánh chiếm, chúng ra sức phá hoại việc thi hành Hiệp định Geneva, từng bước xâm lược miền Nam, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Ở Lào, chúng xây dựng, sử dụng lực lượng phản động Lào, đánh phá cách mạng, ngăn cản việc thành lập chính phủ liên hiệp với mưu đồ nắm Chính phủ Vương quốc Lào, ngăn cản phong trào cách mạng ở Đông Dương. Ở Campuchia, một mặt chúng ve vãn, lôi kéo Chính phủ Vương quốc, mặt khác ra sức uy hiếp, phá hoại nền trung lập tích cực của chính quyền Xi-ha-núc, hòng lôi kéo Campuchia vào quỹ đạo của chúng, để cô lập cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Hội nghị thành lập Mặt trận đoàn kết Liên minh Việt - Miên - Lào, tháng 3-1951. Ảnh tư liệu
Ý đồ chiến lược và hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ là xâm lược, đặt ách thống trị lên cả 3 nước Đông Dương, dùng người lãnh thổ nước này xâm lược nước kia, chia rẽ triệt để từng nước, cô lập nước này với nước kia, phá vỡ khối liên minh về chính trị, quân sự của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Phát huy truyền thống lịch sử tốt đẹp, do quan hệ về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa giữa 3 dân tộc tạo nên; đặc biệt, đáp ứng yêu cầu khách quan của việc vận dụng những yếu tố, những quy luật để giành thắng lợi trong cuộc vận động cách mạng và chiến tranh cách mạng, Đảng ta đề ra đường lối lãnh đạo đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào Đại thắng mùa xuân 1975, điều đó được thể hiện cụ thể là:
Sau Hiệp định Paris, các nước đế quốc và phản động quốc tế đều muốn tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, muốn kìm chế Việt Nam. Tuy tranh giành nhau, song tất cả đều lo ngại cách mạng Việt Nam mạnh lên và giành toàn thắng, đều coi một nước Việt Nam thống nhất, gắn bó, đoàn kết với hai nước Lào, Campuchia độc lập, thống nhất sẽ là một trở lực lớn đối với mưu đồ của họ. Tình hình mới đặt ra cho cách mạng nước ta nhu cầu cấp bách phải kịp thời phá tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, tranh thủ thời cơ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hội nghị lần thứ 21 (khóa III) của Đảng khẳng định: Đoàn kết 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với 3 dân tộc ở Đông Dương.
Từ ngày 30-9 đến 8-10-1974, Bộ Chính trị họp để phân tích thời cơ chiến lược mới và hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam. Hội nghị khẳng định: Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. 20 năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn... Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác.
Tiếp đó, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975 xác định và bổ sung để hoàn chỉnh quyết tâm cuối cùng, theo sự phát triển mới của tình hình. Bộ Chính trị chỉ rõ: Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Đối với Lào và Campuchia, Đảng ta khẳng định: Trong khi thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta sẽ giúp đỡ hai nước Lào và Campuchia anh em tiến lên. Với những chủ trương đúng đắn, kịp thời trên, Đảng đã lãnh đạo huy động sức mạnh đoàn kết của 3 nước Đông Dương trong Đại thắng mùa xuân 1975 nói riêng.
Kề vai sát cánh, đoàn kết phối hợp chiến đấu giành thắng lợi
Quán triệt đường lối lãnh đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 12-1974), nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ở miền Bắc, khắp các địa phương, từ vùng đồng bằng đến rừng núi đã dấy lên một phong trào tòng quân rầm rộ chưa từng thấy... Toàn dân nhất trí rất cao với quyết tâm chiến lược của Đảng. Tấm lòng người dân từng làng bản, phố phường ở hậu phương lớn vẫn ngày đêm hướng ra tiền tuyến lớn, một lòng một dạ, sắt son, quyết cùng đồng bào miền Nam ruột thịt đi tới đích trong chặng đường cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ở miền Nam Việt Nam, chỉ hơn một tháng (từ ngày 4-3 đến 8-4-1975), quân và dân ta đã mở ra hàng loạt chiến dịch tấn công địch dồn dập, quyết liệt giải phóng một vùng rộng lớn từ Tây Nguyên đến Bình Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng và đồng bằng Trung Bộ, bao gồm 16 tỉnh, cả thành phố, thị xã, thị trấn, tiêu diệt và làm tan rã 2 quân đoàn và 2 quân khu quan trọng của địch. Trên đà thắng lợi, với khí thế tổng công kích, tổng khởi nghĩa, “một ngày bằng hai mươi năm”, quân và dân ta liên tục tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn. Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
Hòa cùng khí thế và sức mạnh chiến thắng của quân và dân Việt Nam, quân và dân hai nước bạn Lào và Campuchia cũng nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm để đánh bại kẻ thù, giành độc lập dân tộc. Ngày 10-4-1975, quân và dân Campuchia mở đầu cuộc tấn công vào Phnom Penh. Ngày 12-4-1975, Mỹ buộc phải tổ chức cuộc hành quân “Diều hâu” rút khỏi Phnom Penh. Sự kiện những tên Mỹ cuối cùng rút lui không điều kiện khỏi Phnom Penh chứng tỏ khả năng Mỹ duy trì chiến tranh xâm lược thực dân mới ở Đông Dương không còn như trước được nữa. Ý đồ xâm lược thực dân kiểu mới ở Campuchia của Mỹ bị phá sản. Ngày 15-4-1975, sân bay Pochentong bị đánh chiếm. Ngày 17-4-1975, quân ngụy Campuchia buộc phải đầu hàng. Chế độ Lon Nol bị sụp đổ, cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia kết thúc thắng lợi.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Campuchia đã tác động đến Lào. Làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đã làm cho cách mạng thêm chín muồi, thúc đẩy nhanh chóng quá trình phân hóa, suy sụp và tan rã của chính quyền phái hữu và quân ngụy Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và trước sự đấu tranh của nhân dân, tháng 3-1975, Chính phủ liên hiệp phải quyết định đóng cửa sứ quán ngụy Sài Gòn ở Vientiane. Đầu tháng 7-1975, Bộ Chính trị Đảng ta và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có cuộc hội đàm tại Việt Nam. Về phía ta có đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp. Về phía bạn có đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Sau khi đánh giá tình hình mỗi nước, hai bên đã thống nhất quyết định: Khẩn trương giải quyết bước chuyển tiếp cuối cùng bằng cuộc vận động dân chủ xóa bỏ Chính phủ liên hiệp, xóa bỏ chế độ quân chủ và nhà vua, thành lập chế độ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào càng sớm càng tốt, cố gắng hoàn thành trong năm 1975.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của hai Đảng, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện Việt Nam, chỉ trong vòng 4 tháng, quân và dân Lào đã đập tan chính quyền, quân đội tay sai Mỹ ở Lào, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến thối nát tồn tại hàng thế kỷ ở Lào. Ngày 1-12-1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào được triệu tập ở thủ đô Vientiane. Đại hội quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào.