Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới
ĐBP - Là tỉnh có đường biên giới quốc gia với 2 nước Lào và Trung Quốc, Điện Biên có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh phía Tây Bắc của Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn khó khăn, nhận thức không đồng đều. Trong khi đó, các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh hoạt động 'diễn biến hòa bình', lợi dụng tôn giáo, nhân quyền kích động chống phá Đảng, nhà Nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (KTQPAN) có ý nghĩa quan trọng góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc 'từ sớm, từ xa'.
Đại tá Lại Mạnh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh trao Giấy chứng nhận cho học viên hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN đối tượng 3 năm 2022. Ảnh: Đức Hạnh
Đại tá Hoàng Anh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác giáo dục, bồi dưỡng KTQPAN cho cán bộ các cấp, ngành và tuyên truyền, giáo dục ý thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức; được xác định là một trong những nội dung quan trọng của công tác quân sự - quốc phòng địa phương. Thông qua học tập, bồi dưỡng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân. Tuy nhiên quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như: Hoạt động của Hội đồng Giáo dục QPAN một số cơ sở hiệu quả chưa cao, nhất là cấp xã; một số thành viên Hội đồng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm; công tác phối hợp có nơi còn thiếu chặt chẽ; công tác phổ biến KTQPAN cho người dân khu vực vùng cao, biên giới còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về giáo dục, bồi dưỡng KTQPAN là giải pháp quan trọng đầu tiên, có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát, bổ sung và thực hiện kế hoạch, chương trình giáo dục, bồi dưỡng KTQPAN cho các đối tượng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của đơn vị, địa bàn. Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục QPAN các cấp bởi Hội đồng có chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; việc tổ chức thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Hiện nay Hội đồng Giáo dục QPAN tỉnh, 10 Hội đồng Giáo dục QPAN cấp huyện và 129 Hội đồng Giáo dục QPAN cấp xã được thành lập đúng theo Hướng dẫn số 533/HD-HĐ ngày 14/5/2021 của Hội đồng Giáo dục QPAN Quân khu. Hội đồng các cấp thường xuyên được kiện toàn đủ số lượng, đúng thành phần quy định; hoạt động đúng chức năng, phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục, bồi dưỡng KTQPAN phù hợp với các đối tượng và yêu cầu của thực tiễn là giải pháp quan trọng tiếp theo. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có những biến động khó lường, diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội với nhiều thủ đoạn tinh vi, trực diện hơn. Do đó cần kịp thời bổ sung, cập nhật quan điểm, nhận thức mới của Đảng về quốc phòng, an ninh; nhất là quan điểm Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Triển khai nội dung này trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 328 lượt cán bộ, công chức, đảng viên được bồi dưỡng KTQPAN theo kế hoạch của Quân khu và của tỉnh. Năm học 2021 - 2022 có 2.085 học sinh các trường phổ thông, 544 sinh viên trường cao đẳng đã được học môn Giáo dục QPAN.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thời gian qua đội ngũ giáo viên Giáo dục QPAN tỉnh ta đã được quan tâm, tạo điều kiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ. Đến nay toàn tỉnh có 136 giáo viên GDQPAN, đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy. Trong đó tại các trường trung học phổ thông có 128 giáo viên; các trường cao đẳng có 8 giáo viên.
Việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến KTQPAN cho toàn dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành tổ chức với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp từng đối tượng. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, nói chuyện truyền thống; các hoạt động lễ hội, văn hóa - thể thao, chiếu phim lưu động và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã truyền tải đến đồng bào các dân tộc đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là Luật Giáo dục QPAN, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên giới quốc gia... 6 tháng đầu năm đã xây dựng 108 chuyên mục truyền hình, 48 chuyên mục phát thanh; hàng trăm tin, bài, ảnh đăng trên báo tỉnh và Trung ương.