Công tác hòa giải cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ
Bà Phạm Thị Diễm – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) khẳng định, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận trong những năm qua đã dần đi vào nền nếp, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần không nhỏ trong việc gắn kết tình làng nghĩa xóm, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân…
Theo báo cáo của Phòng Tư pháp quận Ba Đình, hiện nay, trên địa bàn quận có 157 tổ hòa giải, với 1120 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 tổ viên, đa số các hòa giải viên có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên, trong đó có 136 hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật. Hòa giải viên là những người có uy tín trong cộng đồng, được giới thiệu và bầu theo quy định.
Công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn quận thời gian qua luôn được ghi nhận, đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở đã đem lại những tác động tích cực cho đời sống xã hội ở địa phương, hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và ngày càng có hiệu quả.
Đến nay, 100% các tổ hòa giải trên địa bàn quận Ba Đình đã được kiện toàn bảo đảm số lượng và thành phần theo quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.
Công tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Mạng lưới Tổ hòa giải được củng cố, mở rộng ở khắp các khu phố và các cụm dân cư, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia là điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn.
Ông Phùng Việt Dũng – Phó trưởng Phòng Tư pháp quận Ba Đình cho biết, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Những kết quả đạt được trong công tác hòa giải ở cở sở trên địa bàn quận Ba Đình trong thời gian qua là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên toàn quận.
Theo đó, quận Ba Đình luôn chú trọng công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở. Hằng năm, UBND quận thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở. Trung bình mỗi năm quận tổ chức khoảng 2 lớp tập huấn cho tổ trưởng tổ hòa giải trên địa bàn, mỗi phường tổ chức từ 2-3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến luật và kỹ năng hòa giải cho các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở.
Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, mở rộng ở khắp các tổ dân phố và các địa bàn dân cư thu hút nhiều thành phần, lực lượng tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn.
Định kỳ hàng năm, các tổ trưởng, hòa giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, chuẩn tiếp cận pháp luật, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…
Theo ông Phùng Việt Dũng, đến nay, toàn quận Ba Đình có 146/157 tổ hòa giải “5 tốt”, chiếm tỷ lệ 92.4 % trên tổng số các tổ hòa giải. Các tổ hòa giải đáp ứng được các tiêu chí của tổ hòa giải “5 tốt” đều làm tốt các nhiệm vụ: phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận Tổ quốc, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở tốt. Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải. Tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt. Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Bà Phạm Thị Diễm – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định, xác định hòa giải ở cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội là thiết chế góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, công tác triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận đã được UBND quận Ba Đình quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
“Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận Ba Đình trong những năm qua đã dần đi vào nề nếp, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, góp phần giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, vượt cấp trong nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn” – bà Phạm Thị Diễm nhấn mạnh.